UBND tỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh vật nuôi trên địa bàn tỉnh
Chiều 22/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp về công tác phòng chống dịch bệnh vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Dự họp có đại diện lãnh đạo các sở ngành, địa phương.
.jpg)
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, tính đến ngày 21/7 dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 1.685 cơ sở chăn nuôi thuộc 243 thôn, 34 xã, phường trên địa bàn tỉnh. Tổng số lợn mắc bệnh, tiêu hủy bắt buộc 9.610 con/1.685 hộ, với tổng khối lượng 577.355kg.
Để phòng, chống bệnh lây lan rộng, gây thiệt hại cho nền chăn nuôi, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, yêu cầu các sở ngành và UBND các xã, phường, đặc khu triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức 02 lớp tập huấn cho 84 người là công chức phòng Kinh tế, Viên chức Trung tâm Cung ứng dịch vụ công thuộc 56 xã, phường, đặc khu (khu vực phía đông tỉnh Quảng Ngãi) về biện pháp điều tra, thu thập thông tin và xử lý ổ dịch, kỹ thuật lấy mẫu, gửi mẫu bệnh phẩm. Tính đến ngày 21/7/2025, đã thực hiện cấp 920 lít hóa chất khử trùng, 1.000 liều vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi theo đề nghị của địa phương để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
.jpg)
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền ghi nhận và đánh giá cao sự tham mưu kịp thời của Sở Nông nghiệp và Môi trường cho lãnh đạo tỉnh trong việc nắm bắt tình hình dịch bệnh xảy ra, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cũng như phối hợp tốt với các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống dịch trong thời quan qua.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trong xử lý dịch bệnh; phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức thống kê, kiểm soát, nắm bắt chặt chẽ số lượng heo, số hộ nuôi, nhất là hộ nuôi nhỏ lẻ, số heo bị bệnh để có biện pháp xử lý. Yêu cầu các hộ dân phối hợp với chính quyền tổ chức tiêu hủy số heo bị bệnh theo đúng hướng dẫn. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ động triển khai các giải pháp xử lý tiêu hủy tập trung; ưu tiên kinh phí để phòng, chống và xử lý dịch bệnh; phối hợp với các địa phương, nhất là 34 địa phương có dịch triển khai các biện pháp tiêu độc, khử trùng nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Các sở ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn việc lưu thông, giết mổ heo trên địa bàn.