Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn thường xuyên dưới 03 tháng
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn thường xuyên dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2025
Mục tiêu nhằm đào tạo hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mới. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề và hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Góp phần nâng tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo trên địa bàn tỉnh lên trên 60%, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 20%; thu nhập của dân cư nông thôn tăng lên theo từng năm và tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Tập trung đào tạo cho lao động nông thôn để thực hiện hiệu quả tiêu chí về lao động trong Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và các hợp phần của các chương trình giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh; an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và chuyển đổi số trong nông nghiệp; đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp; chuyển một bộ phận lao động nông thôn sang làm nông nghiệp dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, đem lại thêm công ăn việc làm, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét hơn về chuyển đổi nghề nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân lao động nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đào tạo nghề đảm bảo đúng đối tượng, nội dung, chương trình đào tạo gắn với yêu cầu thực tiễn, hiệu quả. Đào tạo gắn với việc làm, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu phát triển của địa phương. Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2025 là 240 người (chỉ tiêu); sau khi tham gia học nghề có từ 80% trở lên số người học nghề có việc làm, thu nhập cao hơn so với trước khi chưa tham gia học nghề.
Các đối tượng quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Lao động nông thôn có độ tuổi từ đủ 15-60 tuổi (đối với nam), 15-55 tuổi (đối với nữ), có nhu cầu học nghề, trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Lao động ở nông thôn, thành viên trong các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, làng nghề tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng, lao động tại các điểm du lịch cộng đồng nông thôn. Người lao động có hộ khẩu thường trú tại xã, phường, thị trấn đang trực tiếp làm nông nghiệp hoặc hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi và có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú là người tham gia học nghề lần đầu tiên.
Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ tiêu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là 240 người (chỉ tiêu), là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm.
Mức hỗ trợ
Mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học.
Mức hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khoá học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cu trú 15 km trở lên.
Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khoá học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 05 km trở lên.
Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo quy định và chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích. Chủ động thông báo đến các trường, trung tâm dạy nghề và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xác định nhu cầu đào tạo, hoàn thiện chương trình, giáo trình, để thực hiện việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo năng lực của các đơn vị tham gia.
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường xây dựng, bổ sung, điều chỉnh định mức và danh mục nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn phù hợp với nhu cầu của người học và nhu cầu thực tiễn hiện nay; tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, tổng hợp báo cáo và đánh giá tình hình thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo quy định.
Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị phối hợp với các Hội, đoàn thể các cấp tích cực tuyên truyền vận động cho lao động nông thôn hiểu rõ chủ trương, mục đích, ý nghĩa và quyền lợi của lao động nông thôn khi tham gia đăng ký học nghề.
Chỉ đạo UBND cấp xã (phường) xác định nhu cầu, đăng ký kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp tại địa phương sát với thực tiễn theo nhu cầu học nghề của người dân. Các phòng chuyên môn tổ chức, triển khai đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên cơ sở nguồn kinh phí được giao.