CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Tỉnh Quảng Ngãi

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bệnh trên đàn vật nuôi trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

File đính kèm:

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền vừa ký Công văn số 7110/UBND-KTN chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; chấn chỉnh công tác phòng chống dịch bệnh, rà soát và báo cáo số liệu dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi, nhất là tôm nước lợ tại các vùng nuôi trên địa bàn quản lý theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Quyết định số 791/QĐ-UBND ngày 12/12/2024 về việc phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh, năm 2025; trong đó, tập trung công tác tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi; tiêm phòng đầy đủ đối với các bệnh (Lở mồm long móng, Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Dại,...) tại các khu vực có ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao, địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại và hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản năm 2025 đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn.

Khẩn trương lập và phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn cấp huyện năm 2025 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Quyết định số 791/QĐ-UBND ngày 12/12/2024; trong đó, kiểm tra, bố trí đầy đủ kinh phí cho công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, giám sát theo quy định,…

Đồng thời, chỉ đạo các phòng ban, đơn vị có liên quan và UBND cấp xã tăng cường công tác giám sát nghiêm tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt con giống cung cấp cho các hộ nuôi khi thực hiện các Chương trình, dự án hỗ trợ chăn nuôi trên địa bàn. Trong đó, đối với việc nhập con giống thủy sản, nhất là tôm giống nước lợ tại các vùng nuôi phải thực hiện khai báo ban đầu và có sự kiểm tra con giống của chính quyền cấp xã trước khi thả ra hồ nuôi; đây là điều kiện bắt buộc phải thực hiện, khi có xem xét đến việc hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh cho người nuôi trồng thủy sản theo quy định.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đặc biệt là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở để người chăn nuôi, người nuôi trồng thủy sản biết về các quy định của pháp luật phòng, chống dịch bệnh động vật và tác hại của dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật đối với từng đối tượng vật nuôi, vùng nguy cơ, để báo cáo, chia sẻ thông tin về dịch bệnh động vật và tiêm phòng, vệ sinh, sát trùng, chăn nuôi an toàn sinh học theo quy định. Nghiêm túc thực hiện 3 không: “không giấu dịch, không xả thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm và lây lan dịch bệnh và sử dụng kháng sinh không theo hướng dẫn”.

Chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, bố trí người có chuyên môn phù hợp để thực hiện công tác thú y tại cấp xã theo quy định.

Thành lập các đoàn công tác do Lãnh đạo UBND các cấp đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương có nguy cơ cao, có tỷ lệ tiêm phòng thấp, địa phương có các loại dịch bệnh động vật xảy ra trong năm 2024.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định và các giải pháp được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 791/QĐ-UBND ngày 12/12/2024 về Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2025.

Chỉ đạo cơ quan chuyên ngành thú y, thủy sản tổ chức đấu thầu mua sắm vắc xin, hóa chất phòng, chống dịch bệnh; cân đối, phân bổ, hiệu quả cho UBND các huyện, thị xã và thành phố để tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Chủ động triển khai giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh.

Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt trong công tác kiểm dịch gia súc, gia cầm và thuỷ sản làm giống và tổ chức ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào địa bàn tỉnh.

Triển khai đồng bộ các hoạt động quan trắc môi trường, tổ chức giám sát chủ động dịch bệnh trên tôm nuôi để đưa ra dự báo, cảnh báo cho người nuôi; hướng dẫn người nuôi về mùa vụ thả nuôi, quy trình nuôi, hình thức nuôi phù hợp, sử dụng con giống thủy sản, vật tư đầu vào bảo đảm chất lượng và chủ động áp dụng các biện pháp ứng phó sự cố, phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Rà soát công tác thống kê số liệu thực tế về thiệt hại, dịch bệnh trên tôm nuôi, bảo đảm số liệu chính xác, đầy đủ; triển khai nghiêm túc và có hiệu quả Hệ thống VAHIS trong báo cáo, chia sẻ thông tin dịch bệnh động vật thủy sản theo đúng chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hướng dẫn của Cục Thú y.

Sở Tài chính tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2025; chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố để thẩm định và tham mưu cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung ứng vắc xin, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2025 theo quy định.

Các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động rà soát, phối hợp thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

B.T