Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản năm 2025
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền vừa có Công văn số 2730/UBND-KTN chỉ đạo về tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản năm 2025.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 08/4/2025 của UBND tỉnh về thực hiện công tác quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2025; hàng năm, rà soát, bổ sung điểm, thông số, tần suất quan trắc phù hợp thực tế sản xuất và theo sát Chương trình Quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành Nông nghiệp và Môi trường đến năm 2040 theo Quyết định số 4255/QĐ-BNN-KHCN ngày 04/12/2024 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Thông tin, khuyến cáo tại các bản tin, thông báo về kết quả quan trắc môi trường của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, II, III, Viện Nghiên cứu Hải sản và các hướng dẫn kỹ thuật kèm theo; chủ động kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng đến người nuôi về thông tin khí tượng thủy văn, diễn biến mực nước và mức độ hạn hán; kết quả diễn biến chất lượng môi trường và dịch bệnh nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại; kịp thời tham mưu, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường (Cục Thủy sản và Kiểm ngư) để phối hợp xử lý với các trường hợp bệnh mới, chưa rõ nguyên nhân, tác nhân theo quy định.
Đẩy mạnh công tác giám sát bệnh chủ động, điều tra dịch tễ, chẩn đoán xét nghiệm xác định nguyên nhân dịch bệnh; xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đảm bảo công tác kiểm dịch giống hiệu quả và giống xuất tỉnh phải được giám sát hoặc kiểm tra xét nghiệm bệnh trước khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch; xây dựng cơ sở sản xuất giống, nuôi thương phẩm an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh; kiểm tra việc quản lý, kinh doanh, sử dụng thuốc thú y, vắc xin, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, dự phòng hóa chất khử trùng để xử lý dịch bệnh thủy sản.
Triển khai có hiệu quả Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2025 được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại các Quyết định: số 692/QĐ-UBND ngày 17/5/2021 và số 791/QĐ-UBND ngày 12/12/2024.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về một số giải pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh thủy sản và ứng phó với diễn biến bất thường của môi trường vùng nuôi, tình hình hạn hán để tham mưu điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, phổ biến và hướng dẫn người nuôi áp dụng.
Định kỳ cập nhật cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường và cơ sở dữ liệu về dịch bệnh thủy sản theo hướng dẫn của Cục Thủy sản và Kiểm ngư.
Sở Tài chính căn cứ khả năng cân đối ngân sách, điều kiện thực tế và đề xuất của Sở Nông nghiệp và Môi trường để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét bố trí kinh phí thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản theo quy định.
Công an tỉnh, Sở Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vi, địa phương có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động lưu thông, vận chuyển giống, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, trục lợi, thao túng giá bất hợp lý; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển trái phép, tiêu thụ giống thủy sản nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch vào địa bàn tỉnh và thực hiện công khai về các hành vi vi phạm (nếu có) theo đúng quy định.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan chủ động triên khai công tác thông tin, tuyên truyền về quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
UBND các huyện, thị xã và thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị và UBND cấp xã chủ động bám sát địa bàn, theo dõi tình hình nuôi thủy sản, diễn biến chất lượng môi trường và dịch bệnh theo phương châm “phòng bệnh chủ động từ sớm, từ xa” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại; thiết lập “đường dây nóng” để tiếp nhận, xử lý ngay khi xảy ra bệnh, thủy sản nuôi chết hoặc có dấu hiệu bất thường tại cơ sở; kịp thời báo cáo cho cơ quan chuyên môn để phối hợp xử lý và phục vụ công tác lấy mẫu quan trắc môi trường, dịch bệnh thủy sản theo quy định.
Chấn chỉnh và thực hiện tốt công tác thống kê, báo cáo số liệu nuôi trồng thủy sản, dịch bệnh tại các địa phương theo đúng quy định.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng đến người nuôi về thông tin khí tượng thủy văn và các bản tin về kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản để người nuôi chủ động trong sản xuất