Truy cập nội dung luôn

Vài nét lịch sử về phường Chánh Lộ

     Chánh Lộ là một trong những phường nằm ở vị trí trung tâm, cửa ngõ phía Nam của thành phố Quảng Ngãi. Phía Đông giáp với phường Nghĩa Chánh, Phía Tây giáp với  phường Nghĩa Lộ;  phía Nam giáp với thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa; Phía bắc giáp với phường Nguyễn Nghiêm. Có diện tích tự nhiên 253,03 ha, được chia thành 8 tổ dân phố, gồm 4.170 hộ dân và 15.494 nhân khẩu; phường được thành lập tại Quyết định số 577/TCCP ngày 26/12/1990 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ. Từ khi thành lập, xây dựng và phát triển đến nay, phường Chánh Lộ đã có nhiều đổi thay lớn mạnh và đạt được những thành quả đầy tự hào trên tất cả các lĩnh vực, về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, đặc biệt là đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao một cách rỏ nét.

      Theo lịch sử, vùng đất Chánh Lộ xưa kia thuộc vùng đất thủ phủ của trấn Quảng Nghĩa (thời Gia Long), đặt tên gọi là xã Chánh Mông. Đến năm 1886 vua Đồng Khánh đổi tên thành xã Chánh Lộ; là trung tâm tỉnh lỵ nên cư dân tập trung về đây sinh sống, làm ăn ngày càng đông đúc, nhộn nhịp đã hình thành nên Chánh Lộ phố và Chánh Lộ xã; Chánh Lộ phố bao gồm: 3 ấp, ấp Thu Lộ (nay là Phường Trần Phú), ấp Nam Lộ (nay là phường Nguyễn Nghiêm), ấp Bắc Lộ (nay là phường Trần Hưng Đạo) và sau này mở rộng thêm ấp Bắc Môn (nay là phường Lê Hồng Phong); còn Chánh Lộ xã gồm có 4 ấp: ấp Phú Hòa, ấp Phú Yên, ấp Phú Mỹ, ấp Phú Thịnh bao gồm các phường Nghĩa Chánh, Nghĩa Lộ, Chánh Lộ và 1 phần thị trấn La Hà thuộc huyện Tư Nghĩa ngày nay. Trước khi cách mạng tháng 8 thành công, Chánh Lộ phố và Chánh Lộ xã đều trực thuộc huyện Tư Nghĩa. Đến sau cách mạng tháng 8, chính quyền cách mạng mới thành lập đơn vị thị xã, Chánh Lộ xã hợp nhất với xã Ngọc Án thành xã Nghĩa Lộ. Từ năm 1954 - 1975 chính quyền tay sai Sài Gòn đã thay các ấp của Chánh Lộ phố thành xã Cẩm Thành và đổi tên xã Nghĩa Lộ thành xã Tư Chánh. Mãi đến ngày 30/4/1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Đảng, Chính phủ sắp xếp lại một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện trong cả nước thì tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định hợp nhất thành tỉnh Nghĩa Bình; thị xã Quảng Ngãi  và huyện Tư Nghĩa hợp nhất thành thị xã Quảng Nghĩa; xã Nghĩa Lộ được chia thành 2 xã: Nghĩa Lộ và Nghĩa Chánh. Đến tháng 7/1989 tỉnh Nghĩa Bình lại được tách ra thành 2 đơn vị hành chính như cũ, thị xã Quảng Ngãi lại trở thành tỉnh lỵ là Trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh Quảng Ngãi, lúc này Chánh Lộ mới được tách ra khỏi xã Nghĩa Lộ, trở về đúng với tên gọi xưa và được chính thức thành lập vào ngày 26/12/1990, với tên gọi mới là Phường Chánh Lộ thuộc thị xã Quảng Ngãi cho tới ngày nay.

    Trải qua bao biến đổi của lịch sử, địa lý, Chánh Lộ có nhiều lần thay đổi theo địa giới hành chính, nhưng cuối cùng, mảnh đất Chánh Lộ đã trở lại với cái tên gọi thân thương từ thời kỳ khai căn lập địa, trường tồn và phát triển ngày càng thịnh vượng. Trong tiến trình lịch sử chống kẻ thù xâm lược, nhân dân Chánh Lộ đã sớm hình thành và phát huy truyền thống yêu nước căm thù giặc. Sử sách còn lưu truyền lại những đại diện tiêu biểu cho các thế hệ anh hùng, đã tham gia nghĩa quân vào cuộc khởi nghĩa Lê Trung Đình, một phong trào yêu nước tiêu biểu ở Nam Trung Bộ; Nguyễn Viện tiêu biểu cho nhân dân Chánh Lộ trong cuộc chiến chống lại lực lượng đàn áp do Nguyễn Thân chỉ huy; nhân dân Chánh Lộ còn tham gia đấu tranh chính trị, tiêu biểu nhất là phong trào đòi Nguyễn Khánh từ chức...các phong trào yêu nước của nhân dân Chánh Lộ tiếp tục lan rộng. Trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, Chánh Lộ là vùng tự do, tương đối yên bình, nhưng nhân dân Chánh Lộ lại tiếp tục kiên trung, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, không sợ hiểm nguy, nhiều gia đình đã trở thành cơ sở kiên trung của cách mạng, là nơi hoạt động, cơ sở nuôi dấu, che chở cho nhiều đồng chí cách mạng tiền bối; là nơi dự trữ, hổ trợ lương thực, thuốc men, cất giấu vũ khí khí tài phục vụ cho chiến đấu và là hậu phương vững chắc cho các địa bàn chiến lược ở ba mũi giáp công đánh địch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, góp phần quan trọng trong các cuộc tổng khởi nghĩa ở miền tây Quảng Ngãi và giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 24/3/1975 và giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

     Sau ngày quê hương được giải phóng, nhân dân và cán bộ Chánh Lộ lại tiếp tục đoàn kết vượt qua mất mát đau thương, nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, góp phần xây dựng lại quê hương, xây dựng cuộc sống mới, tích cực tăng gia sản xuất, hăng hái tham gia công tác xã hội mà tiêu biểu là phong trào nhân dân đăng ký vào Hợp tác xã Nông nghiệp, xây dựng công trình thủy lợi Thạch Nham phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đem lại màu xanh no ấm cho quê hương.

     Trong công cuộc xây dựng CNXH và BVTQ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, người dân Chánh Lộ không những tiếp tục phát huy bản chất cần cù, sáng tạo trong lao động, đoàn kết anh dũng trong đấu tranh mà còn tiếp thu những tinh hoa mới để cùng cả nước ra sức thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh.

     Trong chặng đường phát triển của phường, từ năm 2005 được sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền thành phố Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư các công trình, dự án trọng điểm vào phường, tạo điều kiện cho phường được đô thị hóa rất nhanh, diện mạo đô thị của phường có sự thay đổi nhanh chóng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội của địa phương ngày càng được đầu tư hoàn thiện; đã tạo cú hích mạnh mẽ cho địa phương trong định hướng lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trên địa bàn. Từ đó định hướng phát triển kinh tế của địa phương như mở ra một trang mới, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ phường qua 5 nhiệm kỳ từ 2005 đến nay đều có chung định hướng phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng TMDV, TTCN, giảm tỷ trọng Nông nghiệp. Để thực hiện định hướng trên, địa phương đã tích cực cùng với thành phố trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và hổ trợ cho doanh nghiệp phát triển, ưu tiên quỹ đất cho kinh doanh thương mại dịch vụ và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đến kinh doanh, sản xuất trên địa bàn. Đến nay kinh tế của phường liên tục có nhiều bước phát triển mạnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng TM -DV, TTCN và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, trong đó tỷ trọng của ngành Thương mại - Dịch vụ chiếm 65,72%, TTCN- XD chiếm 34,17%; Nông nghiệp chiếm 0,10%; Cơ cấu lao động: dịch vụ chiếm 71,02%; tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm 28,18%; Nông nghiệp chiếm 0,8%.

     Cùng với việc phát triển kinh tế xây dựng địa phương, Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường và các đoàn thể chính trị xã hội đã không ngừng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng gia đình văn hóa mới, con người mới, thực hiện nếp sống văn hóa văn minh đô thị và thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và nhà nước về quy chế dân chủ ở cơ sở; không ngừng cải thiện, mối quan hệ đoàn kết gắn bó trong công đồng khu dân cư; Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các mô hình dân vận khéo ở khu dân cư không ngừng được xây dựng và phát triển, tạo niềm tin và động lực để nhân dân yên tâm lao động, học tập, sản xuất, chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; hệ thống cơ sở vật chất trường lớp ở các cấp học đều đã được đầu tư khang trang, sạch đẹp, đạt tiêu chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Hiện nay, toàn phường có 01 Trường Mầm non công lập, 03 Trường Mầm non tư thục, 01 Trường Tiểu học, 01 Trường Trung học cơ sở, 01 Trường Trung học phổ thông, 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, 02 trường Đại học đứng chân trên địa bàn. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng như: Trung tâm Văn hóa - thể thao phường, 8/8 tổ dân phố có Điểm sinh hoạt văn hóa … đã từng bước đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa lành mạnh trong nhân dân; công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân được kịp thời, trạm y tế phường đang được đầu tư xây dựng lại theo chuẩn quốc gia; quy mô dân số toàn phường tăng 2,5 lần so với thời kỳ đầu thành lập, toàn phường có 4.170 hộ với 15.494 nhân khẩu. Toàn phường hiện chỉ còn 12 hộ nghèo chiếm 0,287% so với dân số, chủ yếu là các hộ thuộc diện già yếu neo đơn. Công tác chăm sóc đối tượng chính sách, phụng dưỡng mẹ VNAH và các gia đình có công cách mạng được chăm lo chu đáo, các chính sách xã hội được triển khai thực hiện nghiêm túc. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững ổn định; Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường, nguồn lực trong các tầng lớp nhân dân được phát huy, người dân ngày càng đồng thuận cao với Đảng bộ, chính quyền trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

    Trong công tác xây dựng hệ thống chính trị, Đảng bộ xác định, hệ thống chính trị phải như kiềng ba chân, các tổ chức chính trị từ Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội phải vững mạnh và đoàn kết thống nhất thì hệ thống chính trị mới vững mạnh. Xác định vai trò lãnh đạo của Đảng là khâu then chốt, thực hiện nghiêm túc cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội. Từ đó, Đảng bộ đã tập trung tổ chức xây dựng Đảng thật sự trong sạch vững mạnh về mọi mặt, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các chi bộ, thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ, định hướng công tác cho các cấp ủy, tạo điều kiện để các chi bộ quyết định và lãnh đạo các phong trào tại cơ sở.

     Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân phường Chánh Lộ đoàn kết, thống nhất quyết tâm chung tay xây dựng phường Chánh Lộ phát triển ngày càng văn minh, giài đẹp để góp phần cùng với các cấp, ngành của hành phố xây dựng thành phố Quảng Ngãi hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II còn lại và sớm đạt các tiêu chuẩn đô thị loại I.