Quảng Ngãi: Ban hành quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt
10/07/2024 16:35 652
Ngày 09/7/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 24 /2024/QĐ-UBND Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Về phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế là giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, thủy tinh thải, vải, đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện, điện tử thải bỏ. Chất thải thực phẩm, thức ăn thừa, thực phẩm hết hạn sử dụng, các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn, các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm; thủy, hải sản và chất thải rắn sinh hoạt khác là các chất thải rắn sinh hoạt còn lại như: chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh, chất thải khác còn lại.
Về lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân, các bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại trước khi chuyển giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển phải được đặt ở các vị trí thích hợp cho việc thu gom, vận chuyển, đảm bảo không rơi vãi, không rò rỉ nước và phát tán mùi hôi ra môi trường.
Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị, tòa nhà văn phòng phải bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân theo quy định; bố trí điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phù hợp trong khuôn viên của dự án đầu tư, cơ sở theo quy định.
Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải tập kết các bao bì đựng chất thải đã được phân loại ở vị trí hợp lý để thuận tiện chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị hoạt động dịch vụ thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển hoặc đến khu xử lý theo quy định của địa phương; điểm tập kết phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến giao thông, cảnh quan khu vực.
Khuyến khích thôn, xóm, tổ dân phố thiết lập ít nhất 01 (một) điểm thu gom chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái sử dụng, tái chế và 01 điểm thu gom chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt với diện tích phù hợp, có mái che; định kỳ chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái sử dụng, tái chế cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế và chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại theo quy định.
Về thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại, thời gian, địa điểm, tần suất, tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt, tùy vào đặc điểm của mỗi khu vực dân cư, UBND cấp xã chủ trì, phối hợp với đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cộng đồng dân cư và tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở xác định thời gian, địa điểm, tần suất, tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với hiện trạng, đảm bảo theo quy định.
Đối với hoạt động thu gom, vận chuyển phải bảo đảm yêu cầu về nhân lực, phương tiện và thiết bị chuyên dụng để thu gom, vận chuyển toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt tại những điểm đã quy định. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến điểm tập kết, trạm trung chuyển hoặc cơ sở xử lý bằng các phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định; bố trí phương tiện, thiết bị thu gom, lưu giữ nước rỉ rác tại các trạm trung chuyển để xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật hoặc chuyển giao cùng với chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị xử lý,…
Về công nghệ xử lý, chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng tiêu chí theo quy định tại Điều 28 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT. Ưu tiên đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; không khuyến khích xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp.
Khuyến khích việc lựa chọn đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung có công suất đáp ứng xử lý chất thải rắn quy mô liên huyện; áp dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất nhằm giảm thiểu, kiểm soát chất thải thứ cấp phát sinh, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn phải chôn lấp; khuyến khích đồng xử lý chất thải, sử dụng chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thay thế.
Về xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường tại các điểm điểm tập kết và trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đáp ứng đúng quy định của pháp luật và bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đã ngừng tiếp nhận rác thải trên địa bàn tỉnh phải được xử lý ô nhiễm, cải tạo đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Chủ đầu tư, cơ sở quản lý bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều 80 Luật Bảo vệ môi trường và Điều 32 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
Hằng năm, UBND cấp huyện có trách nhiệm rà soát các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn để cải tạo, nâng cấp hoặc đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường trong trường hợp không còn nhu cầu sử dụng hoặc không đáp ứng yêu cầu theo quy định.
BTV
Tài liệu đính kèm: 242024QĐUB.signed.pdf
Tin liên quan
- Quy chế quản lý, vận hành, kết nối, bảo đảm an toàn thông tin và sử dụng Mạng truyền số liệu chuyên dùng tại tỉnh Quảng Ngãi
- Kế hoạch thực hiện điều tra, cập nhật Bộ chỉ số Theo dõi - Đánh giá nước sạch nông thôn
- Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 68 của Chính phủ quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ
- Tổng kết và trao giải Cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên Nhi đồng tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 9, năm 2024
- Thông tin về tình hình mưa lớn tại Quảng Ngãi
- Quy chế quản lý, vận hành và khai thác Cổng dữ liệu mở tỉnh Quảng Ngãi
- Triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 7
- Thông tin về tình hình mưa lớn tại Quảng Ngãi
- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ
- Nâng cao công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng
- Tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm