Sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi” giai đoạn 2021-2025
07/03/2024 17:16 2346
Chiều 07-3, Công an tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi” giai đoạn 2021-2025; quán triệt, triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Theo báo cáo tại Hội nghị, qua 3 năm triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh cơ bản mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm và giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người phạm tội. Qua đó, giúp cho người chấp hành xong án phạt tù thấy được lỗi lầm, hiểu rõ chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước để an tâm lao động, sản xuất và ổn định việc làm sau khi hoàn lương, góp phần hạn chế người tái hòa nhập cộng đồng tái phạm tội hoặc vi phạm pháp luật.
Từ tháng 3/2021 đến tháng 10/2023, có 2.107 người được đặc xá, chấp hành xong án phạt tù, được tha tù trước thời hạn có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng được quản lý trên địa bàn tỉnh. Đang quản lý 945 người, đưa ra khỏi danh sách quản lý 1.162 người.
Đa số người được đặc xá, người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hầu hết số người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú tái hòa nhập cộng đồng đều được tiếp nhận, lập hồ sơ phân công theo dõi, giáo dục, giúp đỡ.
Trong thời gian qua, các sở, ban ngành, địa phương cũng đã xây dựng các mô hình giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang củng cố, duy trì hoạt động 29 mô hình về tái hòa nhập cộng đồng. Điển hình như: Mô hình “Tiếp sức hoàn lương của huyện Nghĩa Hành; mô hình “Vận động, quyên góp hỗ trợ con giống cho người tái hòa nhập cộng đồng” của xã Ba Khâm, huyện Ba Tơ; mô hình “Hướng về cơ sở, giúp đỡ người lầm lỗi” của huyện Sơn Tịnh,… Các mô hình phát huy hiệu quả, hỗ trợ cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để phát triển kinh tế và chấp hành các quy định của pháp luật.
Để triển khai thực hiện tốt Đề án “Bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”, trong thời gian tới, các sở, ban ngành, các tổ chức chính trị- xã hội và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản quy định, hướng dẫn, về công tác tái hòa nhập cộng đồng.
Đồng thời, xác định công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, lồng ghép, gắn với việc triển khai trong các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và công tác phòng, chống tội phạm ở địa phương. Đặc biệt chú trọng giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người chấp hành xong án phạt tù, tạo nguồn vốn để người chấp hành xong án phạt tù và gia đình thoát nghèo, xóa bỏ mặc cảm, tự ti và thực sự hoàn lương.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cơ quan và Nhân dân trong công tác tái hòa nhập cộng đồng.
Hội nghị cũng đã quán triệt, triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Theo Quyết định, người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn, có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do Công an cấp xã lập và được UBND cấp xã xác nhận được vay vốn. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 05 năm. Mức vốn cho vay tối đa là 04 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ.