Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30 về ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc"
15/05/2024 15:55 438
Sáng 15-5, Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 13/3/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đặng Ngọc Huy; Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thanh An chủ trì Hội nghị.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh gồm 61 xã và 08 thôn thuộc 05 huyện miền núi và 03 huyện đồng bằng, với hơn 54.580 hộ, hơn 201.880 khẩu gồm các dân tộc Hrê, Co, Ca dong và một số dân tộc ít người khác.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 30 đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong quá trình thực hiện. Công tác ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Ban Thường vụ các huyện miền núi đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận, các tổ chức chính trị- xã hội, các xã, thị trấn tăng cường công tác nắm tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phát hiện khi có dấu hiệu mâu thuẫn, liên quan đến nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" để tuyên truyền, giải thích, ngăn chặn ngay tại cơ sở, không để Nhân dân tự giải quyết bằng hình thức phạt vạ lẫn nhau. Đồng thời, chỉ đạo điều tra, xác minh làm rõ, đưa ra kiểm điểm trước dân đối với các vụ nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" nhằm giáo dục, răn đe ngay tại địa bàn thôn, khu dân cư, không để xảy ra điểm nóng ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Lãnh đạo các địa phương báo cáo tham luận tại Hội nghị
Đặc biệt, khi xảy ra vụ nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc", lực lượng công an các cấp đã tập trung bám sát địa bàn nắm chắc diễn biến tình hình vụ việc, tổ chức xác minh, xác định nguyên nhân, tính chất, phạm vi ảnh hưởng, hậu quả tác hại, đối tượng bị nghi; tham mưu cho cấp thẩm quyền thành lập đoàn công tác liên ngành tổ chức giải quyết vụ việc; triển khai lực lượng bảo vệ tính mạng, tài sản người bị nghi, ngăn chặn hành vi quá khích, vi phạm pháp luật của người dân. Đồng thời, tổ chức họp dân để giải thích làm rõ những mâu thuẫn dẫn đến nghi kỵ, làm tốt việc tranh thủ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia giải quyết những vụ việc liên quan đến nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc", nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Đại diện người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số chia sẻ kinh nghiệm trong công tác ngăn chặn tình trạng nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc”
Qua đó, số vụ nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" đã giảm đáng kể so với trước. Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn các huyện miền núi xảy ra 57 vụ nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" , đã giải quyết thông qua công tác vận động, hòa giải 55/57 vụ nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc"; 02 vụ khởi tố hình sự, 05 bị can.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đặng Ngọc Huy đánh giá cao và biểu dương các cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng công an, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và đội ngũ người có uy tín về những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống và ngăn chặn tệ nạn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" trong thời gian qua.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Huy phát biểu kết luận Hội nghị
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các ngành, địa phương liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 30-CT/TU của Tỉnh ủy gắn thực hiện hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia; xác định việc ngăn chặn, hạn chế, tiến tới đẩy lùi tệ nạn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục và lâu dài. Thực hiện tốt định hướng công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mê tín dị đoan, nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" ở các huyện miền núi của tỉnh; phân tích rõ tác hại của tệ nạn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc"; phát huy những phong tục, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng đời sống tiến bộ, lành mạnh; phòng, chống, tiến tới xóa bỏ tập tục lạc hậu, phản khoa học.
Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc nắm tình hình, xác định rõ nguyên nhân các mâu thuẫn, nghị kỵ trong đồng bào dân tộc thiểu số để có biện pháp vận động, thuyết phục không để các vụ việc nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" xảy ra. Lực lượng công an các cấp, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tích cực nắm tình hình liên quan đến các vụ việc nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" để kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan ngăn chặn, xử lý không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, phát huy tốt vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng cho người có uy tín về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kỹ năng tuyên truyền, vận động và giải quyết những mâu thuẫn,... nhằm đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tệ nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" ở địa phương.
Lam Uyên
Tin liên quan
- Kỳ họp thứ 29, HĐND tỉnh khóa XIII thảo luận và thông qua nhiều nội dung quan trọng
- HĐND tỉnh thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
- UBND tỉnh họp về công tác giải ngân vốn đầu tư công
- HĐND tỉnh xem xét, thông qua một số nội dung quan trọng tại Kỳ họp thứ 29
- Khai mạc Kỳ họp thứ 29, HĐND tỉnh khoá XIII
- Lãnh đạo tỉnh dự Lễ bế giảng Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý
- Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cho ý kiến về phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy khối nhà nước
- Tỉnh ủy thảo luận, góp ý dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Phiên họp thứ 15 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải
- Tỉnh ủy thảo luận tình hình kinh tế- xã hội năm 2024 và nhiệm vụ năm 2025
- Công bố Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ