Truy cập nội dung luôn

Tổng kết thực hiện Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp

18/05/2024 09:44    934

Sáng 17-5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết tình hình thực hiện Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn chủ trì tại điểm cầu Quảng Ngãi.

Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được Quốc hội XV thông qua ngày 10/6/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, qua thời gian thực hiện Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đến nay các Bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn, hệ thống các quy định về giám định tư pháp liên tục được hoàn thiện. Hệ thống tổ chức giám định tư pháp được củng cố và phát triển. Hiện có 3 tổ chức pháp y ở Trung ương, 55/63 tỉnh, thành phố hoạt động theo mô hình Trung tâm pháp y; có 7 tổ chức pháp y tâm thần được thành lập; có 66 tổ chức giám định kỹ thuật hình sự; 1 Văn phòng giám định tư pháp.

Ngoài ra, có 580 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở các lĩnh vực: Tài chính, ngân hàng, xây dựng, tài nguyên môi trường, thông tin truyền thông, văn hoá, giao thông vận tải, kế hoạch đầu tư, nông nghiệp và phát triển nông thôn, bí mật nhà nước, tư pháp, bảo hiểm xã hội,... Đội ngũ người làm giám định tư pháp tiếp tục tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, cả nước có 7.135 người giám định viên tư pháp và 2.621 người giám định tư pháp theo vụ việc.

Từ năm 2018 đến ngày 30/6/2023, hệ thống tổ chức, người giám định tư pháp ở các lĩnh vực đã thực hiện hơn 01 triệu vụ việc. Việc trưng cầu và thực hiện giám định tư pháp cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhất là trong các lĩnh vực truyền thống (pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự).