Thực hiện Đề án 06: Tiện ích nhưng phải tiện lợi
07/09/2022 09:05 218
Cùng với cả nước, Quảng Ngãi đang triển thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) trên địa bàn tỉnh. Việc chuyển đổi số, hình thành công dân số sẽ diễn ra nhanh hơn, nếu dịch vụ công trực tuyến mang lại cho người dân và doanh nghiệp nhiều tiện ích và sự tiện lợi khi sử dụng.
Nhiều tiện ích
Mục tiêu của Đề án 06 nhằm phục vụ lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Khi hoàn thành Đề án này, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương, hướng tới phục vụ 5 nhóm tiện ích cốt lõi. Đó là: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp
Một khi đề án này thực hiện có hiệu quả, thì người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng các tiện ích tốt nhất thông qua các dịch vụ hành chính công, an sinh xã hội và tiếp cận các dịch vụ thương mại… Người dân chỉ sử dụng duy nhất thẻ căn cưới công dân có gắn chíp điện tử thay thế nhiều giấy tờ khác để thực hiện các giao dịch với các cơ quan Nhà nước, bảo đảm chính xác và thuận tiện. Với tài khoản định danh điện tử, công dân có thể ngồi tại nhà để thực hiện nhiều dịch vụ công, các giao dịch dân sự và tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chuyển tiền…
Còn với doanh nghiệp, khi hệ thống định danh và xác thực điện tử được đưa vào sử dụng sẽ là nền tảng để phát triển hệ sinh thái số trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn kết với chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) làm thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử cho công dân
Nhưng phải tiện lợi cho người dùng
Có nhiều tiện ích, song theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện nay tỷ lệ phát sinh hồ sơ nộp trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính đối với 25 dịch vụ công thiết yếu còn thấp so với hồ sơ trực tiếp. Việc triển khai các dịch công thiết yếu còn gặp khó khăn trong tra cứu và xử lý hồ sơ do Hệ thống Cổng dịch vụ công - Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh chưa được kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… Đó là chưa kể những bất cập về hạ tầng công nghệ thông tin, về sự sẵn sàng của đội ngũ cán bộ các cấp về chuyển đổi số nói chung và việc thực hiện Đề án 06 nói riêng…
Như vậy, Quảng Ngãi vẫn còn nhiều việc phải làm mới đạt được mục tiêu đề ra. Nếu không có sự quyết tâm, nỗ lực lớn, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các
ngành, địa phương trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án, thì nhiệm vụ quan trọng này sẽ khó hoàn thành.
Còn với người dân, doanh nghiệp, việc thích ứng với chuyển đổi số, xã hội số, công dân số sẽ diễn ra nhanh hay muộn phụ thuộc nhiều vào sự tiện ích mà các dịch vụ công mang lại, là sự dễ dàng khi tiếp cận với 25 dịch vụ công thiết yếu. Bởi, nếu không thật sự tiện lợi thì người dân sẽ khó sử dụng các loại dịch vụ công trên môi trường điện tử, vì khả năng tiếp cận công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm ứng dụng không phải người dân nào cũng thành thạo.
Chỉ khi nào cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, kết nối, chia sẻ dữ liệu thông suốt; khả năng cung cấp dịch vụ công nhanh chóng, tiện lợi, thì việc truyền thông, khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số cũng sẽ dễ dàng hơn.
Một khi Đề án 06 hoàn thành sớm và thực hiện có hiệu quả, thì thời gian hình thành công dân số sẽ càng rút ngắn, việc thực hiện Chính phủ điện tử, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số sẽ sớm đạt những mục tiêu như kỳ vọng.
HOÀNG HÀ