Truy cập nội dung luôn

Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ làm việc với Ban Dân tộc tỉnh và Công ty G.O.C về việc khảo sát đầu tư, triển khai dự án liên kết chuỗi tre lấy măng trên địa bàn huyện Ba Tơ

17/02/2023 08:45    54

Sáng ngày 23/12/2022, đồng chí Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ đã có buổi làm việc với Ban Dân tộc tỉnh và Công ty G.O.C về khảo sát đầu tư, triển khai dự án liên kết chuỗi tre lấy măng trên địa bàn huyện Ba Tơ. Tham dự buổi làm việc còn đồng chí Trần Văn Mẫn – Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; lãnh đạo các phòng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kinh tế và Hạ tầng, Dân tộc; lãnh đạo Văn phòng huyện; lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ba Tơ, đại diện Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Ba Tô; đại diện các hợp tác xã và lãnh đạo các địa phương trên địa bàn huyện.

Theo báo cáo của lãnh đạo công ty G.O.C tại buổi làm việcvới những ưu điểm vốn đầu tư ít, nhanh cho thu hoạch, thời gian thu hoạch dài, ít sâu bệnh, dễ trồng, năng suất cao, đầu ra ổn định, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, trình độ canh tác của nông dân, cây tre lấy măng Bát độ sẽ khẳng định vị thế của mình trên vùng đồi của huyện Ba Tơ khi liên kết với công ty G.O.C theo liên kết chuỗi giá trị. Thực tế, cây măng Bát Độ không xa lạ với một số người dân trên địa bàn huyện Ba Tơ. Tuy nhiên người dân chỉ canh tác nhỏ lẻ, tự phát mà không chú trọng đến việc phát triển vùng nguyên liệu, để liên kết với doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị nên rất khó tiêu thụ được sản phẩm măng và không tận dụng hết giá trị của cây tre.

Loại cây trồng này trồng hai năm thì cho thu hoạch, từ năm thứ 3 trở đi cho năng suất ổn định. Năng suất cao nhất có thể đạt từ 25 tấn đến 30 tấn/ha/năm. So với cây keo nguyên liệu thì việc trồng tre bát độ lấy măng đã mang lại giá trị cao hơn từ 50 đến 80 triệu đồng/1 héc ta trên 1 chu kỳ 5 năm. Ngoài ra khi liên kết với công ty G.O.C theo chuỗi giá trị, bên cạnh bán măng với giá trị kinh tế cao, thì người dân còn thu hoạch lá tre, thân tre, gốc tre để bán. Cây tre 1 tuổi thì sẽ thu hoạch lá để Công ty dùng làm mặt hàng thủ công, mỹ nghệ. Thân tre sau 2 tuổi, công ty thu mua làm đũa. Măng tre Công ty thu mua chế biến sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Châu Âu, hiện nay nhu cầu tiêu thụ sản phẩm măng rất lớn. Gốc tre Công ty sẽ thu mua làm viên nén năng lượng. Công ty sẽ đảm bảo xây dựng cơ sở sơ chế và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm từ tre bát độ lâu dài. Cùng với đó sẽ áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nâng cao chất lượng măng Bát Độ, mang lại thu nhập ổn định cho bên liên kết. Tuy nhiên, để thực hiện liên kết bền vững với Công ty, thì địa phương cần phát triển vùng nguyên liệu trồng tre bát độ với quy mô lớn. Sản phẩm vùng nguyên liệu liên kết với Công ty phải có chứng nhận là sản phẩm từ rừng trồng và tuân thủ một số yêu cầu về xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp của các nước tiêu thụ sản phẩm.

Đồng chí Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại buổi làm viêc

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND huyện cho rằng vấn đề liên kết với doanh nghiệp để gia tăng giá trị sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp là công việc mà huyện đang rất quan tâm. Đây là loại cây trồng rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của Ba Tơ. Đồng chí cùng bày tỏ sự tin tưởng vào uy tín của Công ty G.O.C trong việc liên kết  sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng chí cũng yêu lãnh đạo Công ty trình bày cụ thể về phương án liên kết tiêu thụ sản phẩm; phương án xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm. Bên cạnh đó đồng chí cũng yêu cầu 2 Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp nghiên cứu, tìm hiểu kỹ để liên kết với Công ty G.O.C triển khai trồng tre bát độ lấy măng ở một số diện tích phù hợp để người dân học hỏi làm theo, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trông theo hướng liên kết chuỗi, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Ba Tơ.

                                                                           Hữu Phát

theo bato.quangngai.gov.vn