Truy cập nội dung luôn

UBND Xã Đức Lân

Huyện Mộ Đức

Tỉnh Quảng Ngãi

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐỘC ĐỘC LẬP DÂN TỘC

04/09/2023 14:39    446

Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, tư tưởng của Người về độc lập dân tộc, đến nay còn nguyên giá trị, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, là cơ sở tiền đề để tiến lên Chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là Chủ nghĩa Cộng sản.

Có thể khẳng định: Độc lập dân tộc là khát vọng mang tính phổ biến với toàn nhân loại. Với dân tộc Việt Nam, đó còn là một giá trị thiêng liêng, được bảo vệ và giữ gìn bởi máu xương, sức lực của biết bao thế hệ người Việt Nam. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc phải gắn liền với thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, độc lập dân tộc bao giờ cũng gắn với tự do, dân chủ, ấm no hạnh phúc của nhân dân. Trên đường tiếp cận chân lý cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm hiểu Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước MỹTuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1791 của cách mạng Pháp và tiếp nhận những yếu tố có giá trị trong hai bản tuyên ngôn bất hủ đó. Người khái quát thành chân lý bất di bất dịch về quyền cơ bản của các dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945

Thời kỳ chống Mỹ, khi đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh xâm lược nước ta, chân lý đó được Người khẳng định lại một lần nữa với câu nói bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đây không chỉ là tư tưởng mà còn là lẽ sống, là lý do chiến đấu, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam, là nguồn động viên đối với các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Để góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc, xin được chia sẻ mấy nội dung cơ bản sau:

Độc lập dân tộc phải là một nền độc lập thực sự triệt để và mang tính cách mạng sâu sắc: Đó là nền độc lập bao gồm đầy đủ chủ quyền quốc gia về chính trị, kinh tế, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ. Nền độc lập thực sự, hoàn toàn phải được thực hiện một cách triệt để theo nguyên tắc “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, nhân dân Việt Nam kiên quyết đấu tranh cho độc lập - thống nhất - chủ quyền - toàn vẹn lãnh thổ. Trên quan điểm đó, Việt Nam chỉ trở thành một quốc gia độc lập thật sự khi nước Việt Nam thực sự của người Việt Nam; dân tộc Việt nam có quyền tự quyết trên các lĩnh vực: Đối nội, đối ngoại; độc lập, tự chủ về kinh tế, an ninh, quốc phòng và ngoại giao.

Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh khẳng định: Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc… Độc lập dân tộc phải gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân; tự do, hạnh phúc của nhân dân là chân giá trị của độc lập dân tộc. Điều đó được Người khái quát thành chân lý sâu sắc: Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập ấy cũng chẳng có nghĩa lý gì. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cuộc đời cho cách mạng, luôn chăm lo đến hạnh phúc của nhân dân, Người nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Chính ham muốn tột bậc đó đã tạo nên cuộc đời và sự nghiệp huyền thoại của Hồ Chí Minh.

Độc lập dân tộc phải gắn liền với hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc: Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện khát vọng độc lập dân tộc trong hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Người quan tâm sâu sắc về mối quan hệ giữa độc lập dân tộc mình với tôn trọng và đấu tranh cho độc lập của các dân tộc khác; giữa độc lập dân tộc và hòa bình; chủ nghĩa yêu nước luôn thống nhất với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Trong đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giương cao ngọn cờ hòa bình; Người luôn đi đầu, chủ động nêu ước vọng và giải pháp hòa bình, tránh xung đột và chiến tranh. Đối với Hồ Chí Minh, chiến tranh là bất đắc dĩ, đó chỉ là hành động phản kích sự xâm lược của kẻ thù.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ có độc lập dân tộc thật sự mới có một nền hòa bình chân chính; chỉ có hòa bình chân chính, mới có độc lập dân tộc hoàn toàn. Không thể có độc lập dân tộc thực sự, khi đất nước còn có sự lệ thuộc, hoặc có sự hiện diện của quân đội nước ngoài. Trên thực tiễn, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn thể hiện ý chí độc lập tự do, khát vọng hòa bình của dân tộc. Người luôn tìm mọi cách để đẩy lùi chiến tranh, cứu vãn hòa bình, giữ gìn độc lập dân tộc.

 Độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, trước hết, là tiền đề đi lên chủ nghĩa xã hội: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn: Cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cách mạng dân tộc, dân chủ phải được thực hiện trước, nhằm giải quyết hai mâu thuẫn cơ bản, thực hiện hai mục tiêu chiến lược: Dân tộc và dân chủ. Theo Người, trong giai đoạn cách mạng này là tập trung giải quyết hai mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn giữa toàn thể quốc dân Việt Nam với thực dân Pháp và chính quyền phong kiến tay sai; mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân với giai cấp địa chủ. Để giải quyết mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu nói trên, Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết dân tộc nhằm: “Đánh đổ đế quốc Pháp và bọn phong kiến”; “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”. Như vậy, ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (2/1930), Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, trước hết. Độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, trước hết trong cách mạng dân tộc dân chủ, nó cũng là khởi điểm của con đường cách mạng Việt Nam. Bởi vậy, độc lập dân tộc không phải là mục tiêu cuối cùng của cách mạng Việt Nam, mà thực hiện độc lập dân tộc còn là quá trình tạo tiền đề đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cuộc cách mạng mang lại nền độc lập, tự do cho dân tộc ta

Trong 93 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhờ xác định rõ nội dung và cụ thể hóa mục tiêu về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua những khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Thực tiễn đó chỉ ra rằng, độc lập dân tộc là ngọn cờ, là sự lựa chọn nhất quán và đúng đắn của Ðảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta trong 93 năm qua. Hiện tại, dù còn nhiều khó khăn, nhưng Ðảng ta vẫn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì đó là con đường đúng đắn, là quy luật và xu thế phát triển tất yếu của thời đại, là điều kiện bảo đảm để dân tộc thực sự độc lập, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trở thành hiện thực. 

Ngày nay trong bối cảnh thế giới và khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường hoạt động chống phá, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đòi hỏi ngay trong nội bộ Đảng và cán bộ, đảng viên phải luôn vững vàng lập trường, bản lĩnh, kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Mỗi cấp, ngành và địa phương, mọi lực lượng và cả nước nói chung, xã Đức Lân nói riêng cần tin tưởng tuyệt đối vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nêu cao cảnh giác, chủ động ứng phó có hiệu quả với mọi tình huống, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa./.

                                                                                                                                                                     Thực hiện: AN

Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 697

Tổng số lượt xem: 9

Xã Đức Lân| Cổng thông tin điện tử Quảng Ngãi

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Mai Tấn Thành – Chủ tịch UBND xã Đức Lân

Điện thoại: 02553855732; Email: ubndxaduclan@gmail.com

Địa chỉ: Thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang