Truy cập nội dung luôn

Chi bộ Sung Túc xã Nghĩa Hà tổ chức sinh hoạt chuyên đề với nội dung: Hành trình về địa chỉ đỏ

17/02/2023 16:23    124

Chi bộ Sung Túc xã Nghĩa Hà tổ chức sinh hoạt chuyên đề với nội dung: Hành trình về địa chỉ đỏ

CHI BỘ SUNG TÚC

ĐỔI MỚI NỘI DUNG, HÌNH THỨC SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ

“HÀNH TRÌNH VỀ ĐỊA CHỈ ĐỎ”

XÚC ĐỘNG VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ HỌC ĐƯỢC ĐỐI VỚI MỖI ĐẢNG VIÊN

Ngày 11 tháng 2 năm 2023, Chi bộ Sung Túc tổ chức sinh hoạt chuyên đề với nội dung: Hành trình về địa chỉ đỏ. Tham dự sinh hoạt chuyên đề, mỗi đảng viên đã tìm hiểu trước những thông tin về các địa điểm di tích lịch sử văn hóa sẽ đến của chi bộ. Trong ngày có mặt tại các địa chỉ đỏ, chi bộ đã tổ chức cho đảng viên đi thăm, nghe thuyết minh và trao đổi về giá trị của các địa danh ngập tràn dấu ấn lịch sử, văn hóa và tâm linh.

Địa điểm đầu tiên chi bộ tổ chức cho đảng viên đến thăm là Khu mộ Cụ Huỳnh Thúc Kháng – Quyền Chủ tịch nước, tọa lạc trên đỉnh Núi Thiên Ấn, đây là một trong những danh lam thắng cảnh đẹp của Quảng Ngãi. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng, nhà lãnh đạo mẫu mực, người cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư gửi đồng bào toàn quốc ngày 26/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành những lời tốt đẹp nhất để đánh giá về cụ Huỳnh: “Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao… lòng son, dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ chẳng những không sờn, mà lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan… Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập…” Những câu chuyện về Cụ Huỳnh đã tác động mạnh mẽ đến mỗi đảng viên trong chi bộ. Khó có bài học nào trên sách, báo và các phương tiện thông tin lại sinh động, khơi gợi nhiều nỗi xúc động và thôi thúc quyết tâm cống hiến trong đảng viên như đợt sinh hoạt chuyên đề này.

 

Chi bộ thắp hương tưởng niệm tại mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng

Chi bộ đang tìm hiểu về sự nghiệp cách mạng của cụ Huỳnh Thúc Kháng tại lăng mộ

Chi bộ tiếp tục hành trình đến thăm Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định tọa lạc tại xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi. Anh hùng dân tộc Trương Định sinh năm 1820, tại thôn Trường Định, xã Tư Cung, phủ Bình Sơn (nay là xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi). Cha ông là Trương Cầm, giữ chức lãnh binh tỉnh Gia Định. Vào thời vua Thiệu Trị, ông theo cha vào Nam, lấy vợ và sinh sống tại huyện Tân Hòa (nay là huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang). Trương Định là người đứng đầu trong việc khai hoang lập ấp và được triều đình phong cho chức Quản cơ. Ông tham gia chống giặc ngoại xâm cùng quân triều đình, lập được nhiều chiến công. Theo yêu cầu của nhân dân và các nghĩa sĩ, Trương Định đã khước từ lệnh của triều đình và nhận danh hiệu Bình Tây đại nguyên soái, tiếp tục cuộc chiến đấu chống Pháp. Ngày 20/8/1864, giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân, Trương Định bị trọng thương. Không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết người anh hùng.

Chi bộ thắp hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Trương Định

Tuy sự nghiệp cứu nước chưa thành, nhưng Trương Định đã để lại tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân và tinh thần kiên trung, bất khuất. Tinh thần Trương Định và cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo mãi mãi lưu danh cùng non sông đất nước.

Chi bộ tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp Anh hùng dân tộc Trương Định tại khu lưu niệm Đền thờ ông tại xã Tịnh Khê – TP. Quảng Ngãi

Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định được công nhận di tích cấp tỉnh năm 2014. Đây là công trình mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đối với các anh hùng dân tộc. Đến đây, mỗi đảng viên đều nhận thấy rất rõ ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau.

Chi bộ chụp hình lưu niệm tại Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định

Chi bộ chụp hình lưu niệm tại Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định

          Địa điểm tiếp theo mà Chi bộ đến thăm là Khu chứng tích Sơn Mỹ (hay Khu chứng tích Mỹ Lai), nằm trên quốc lộ 24B thuộc địa phận thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, là nơi tưởng nhớ vụ thảm sát Sơn Mỹ (còn được biết đến là vụ thảm sát Mỹ Lai), thực hiện bởi một lực lượng của Quân đội Hoa Kỳ vào buổi sáng ngày 16/3/1968 trong chiến tranh Việt Nam.

Chi bộ đang tìm hiểu về vụ thảm sát tại Khu chứng tích Sơn Mỹ

Khu di tích Sơn Mỹ là nơi ghi tội ác điển hình của giặc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, là nơi tưởng niệm 504 đồng bào ta đã ngã xuống. Với chủ trương đốt sạch, phá sạch, giết sạch, chúng đã biến nơi này thành vùng đất chết. Lính Mỹ đã đổ bộ xuống phía tây xóm Thuận Yên thôn Tư Cung và xóm Gò thôn Cổ Lũy và cuộc thảm sát bắt đầu. Số người bị tàn sát ở thôn Tư Cung là 407 người, tại thôn Mỹ Hội là 97 người. Tổng số người bị tàn sát ở Sơn Mỹ là 504 người, trong đó có 182 phụ nữ, 173 trẻ em, 60 cụ già, 24 gia đình bị giết sạch, 247 ngôi nhà bị thiêu cháy.

Cảm xúc trong mỗi đồng chí đảng viên tuy khác nhau nhưng điểm chung là xúc động trước nỗi đau tột cùng của nạn nhân Sơn Mỹ ngày ấy.

Chi bộ đang nghe thuyết minh tại Khu chứng tích Sơn Mỹ

Chi bộ đang nghe thuyết minh tại Khu chứng tích Sơn Mỹ

Đợt sinh hoạt chuyên đề của chi bộ Sung Túc kết thúc sau 01 ngày tham quan rất nhiều kiến thức bổ ích, có ý nghĩa. Mỗi địa điểm đều để lại dấu ấn sâu đậm trong nhận thức, tình cảm của đảng viên trong chi bộ. Điều đó cho thấy, đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chuyên đề của chi bộ là hết sức quan trọng. Những bài học giá trị về đạo đức, về nhân sinh, về lẽ sống không hề giáo diều mà hết sức tự nhiên, sinh động là cách truyền cảm hứng, cách giáo dục tốt nhất mà mỗi tổ chức đảng cần tìm tòi, thực hiện để đảng viên phát huy năng lực, vai trò của mình trong thực hiện hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tập thể chi bộ ngày càng đoàn kết, trong sạch, vững mạnh.

(Tác giả: Huỳnh Thị Kim Hà, đảng viên chi bộ Sung Túc, Đảng bộ xã Nghĩa Hà)