Truy cập nội dung luôn

Chính phủ cho ý kiến đối với một số dự án Luật, đề nghị xây dựng luật

04/09/2024 16:45    93

(Chinhphu.vn) - Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2024.

Tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2024, Chính phủ cho ý kiến đối với một số dự án Luật, đề nghị xây dựng luật.

Tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2024, Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với 8 nội dung: 1- Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; 2- Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); 3- Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); 4- Dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; 5- Đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi); 6- Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; 7- Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật của Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ Quốc gia; 8- Việc điều chuyển Trường Cao đẳng nghề số 1 – Bộ Quốc phòng, Trường Cao đẳng nghề số 4 – Bộ Quốc phòng và Trường Cao đẳng nghề số 20 – Bộ Quốc phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng về trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Đồng thời, tại Phiên họp, Chính phủ cũng tiếp tục thảo luận, cho ý kiến đối với 03 nội dung: 1- Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; 2- Dự án Luật Nhà giáo; 3- Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Tính toán lộ trình tăng thuế hợp lý, tránh gây đứt gãy hoạt động kinh tế - xã hội

Đối với Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu cần xây dựng quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt bám sát nguyên tắc định hướng tiêu dùng vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế nhưng phải đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, không khuyến khích tiêu dùng một số mặt hàng, dịch vụ xa xỉ trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Việc tăng thuế đối với một số mặt hàng như rượu bia, thuốc lá… cần đi đôi với cơ chế hiệu quả phòng, chống buôn lậu, trốn thuế, có các công cụ để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật liên quan. Các quy định điều chỉnh thuế suất đối với một số mặt hàng, dịch vụ cụ thể như phòng tập thể thao điện tử; điều hòa dân dụng, phương tiện giao thông có cơ chế vận hành hoặc sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường; xe ô tô bán tải phục vụ sản xuất, kinh doanh… cần được bổ sung giải trình, thuyết minh có đầy đủ căn cứ để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi. Lộ trình tăng thuế cần tính toán hợp lý, bảo đảm sự vận hành của doanh nghiệp, tránh gây đứt gãy hoạt động kinh tế - xã hội.

Cần rà soát, tổng kết và nghiên cứu để Luật có thể giao Chính phủ quy định một số mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp với biến động nhanh chóng của thị trường hoặc nhu cầu xã hội, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước một cách linh hoạt, bảo đảm bao quát, không bỏ lọt các mặt hàng chịu thuế.

Đối với một số nội dung được sửa đổi, bổ sung như xác định giá tính thuế, hoàn thuế, khấu trừ thuế… cần được đánh giá kỹ lưỡng để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đồng thời có quy định về chuyển đổi số nhằm bảo đảm sự minh bạch, hiệu quả, đồng bộ trong hoạt động quản lý nhà nước.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục chủ động đánh giá, rà soát, lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan, địa phương, hiệp hội, chuyên gia và doanh nghiệp, người dân để bảo đảm xây dựng các quy định phù hợp thực tiễn. Chú trọng công tác truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận với các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung.

Thiết kế công cụ hiện đại để thu thuế

Đối với Dự án Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, bảo đảm các yêu cầu sau:

- Tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bảo đảm nội dung dự án Luật có tính khả thi; giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc trong việc thu thuế; có chế tài rõ ràng; bảo đảm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ;

- Bảo đảm cơ sở thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; thiết kế công cụ hiện đại để thu thuế, kiểm soát và kiểm tra hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế; sử dụng hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong quản lý thuế, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội;

- Giảm bớt thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho việc thu thuế và nộp thuế, nâng cao ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ người nộp thuế, chống thất thu thuế, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống, bán lẻ..., bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và phù hợp Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030;

- Về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, cần đánh giá toàn diện về việc thực hiện chính sách và các quy định tại Nghị quyết số 107/2023/QH15 của Quốc hội ngày 29 tháng 11 năm 2023 và sẽ đề xuất luật hóa các quy định này vào thời điểm thích hợp.

Khơi thông nguồn lực tại doanh nghiệp nhà nước

Về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi), Chính phủ thống nhất giao Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, bảo đảm các yêu cầu sau:

- Thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước; xử lý triệt để bất cập, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn chưa có cơ sở pháp lý giải quyết theo tinh thần của Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và yêu cầu về phát triển khơi thông nguồn lực tại doanh nghiệp nhà nước; phân định rõ trách nhiệm của từng chủ thể khi tham gia thực hiện quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; phân định rõ giữa quản lý nhà nước với quản lý vốn nhà nước.

- Tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp, người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm phân cấp, phân quyền đi đôi nâng cao năng lực thực thi, phân bổ nguồn lực có hiệu quả; quy định cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động của từng cấp quản lý; đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý doanh nghiệp theo mục tiêu tổng thể, không theo từng dự án; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp; tập trung vào quy định quản lý và đầu tư hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại các doanh nghiệp để tạo cơ chế thông thoáng làm động lực cho doanh nghiệp nhà nước tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khơi thông nguồn lực cho phát triển (trong đó có nguồn lực đất đai) thay vì hạn chế quyền của doanh nghiệp nhà nước trong việc đầu tư, góp vốn để sản xuất, kinh doanh...

Tách nhà giáo ra khỏi đối tượng điều chỉnh của Luật Viên chức

Về dự án Luật Nhà giáo, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết phải xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nhà giáo được nêu tại các Văn kiện của Đảng; khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; bảo đảm tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Nhà giáo với các luật khác có liên quan.

Chính phủ đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan liên quan, tích cực chuẩn bị, trình dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do tính chất nghề nghiệp của nhà giáo, nên dự án Luật này cần lưu ý một số nội dung sau:

- Bám sát và thể hiện rõ các chính sách đã được Chính phủ thông qua trong Đề nghị xây dựng Luật tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 23 tháng 06 năm 2023 của Chính phủ.

- Tiếp tục hoàn thiện các quy định có liên quan về nhà giáo; kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn, nhất là những bài học từ công tác quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo trong thời gian qua; có lộ trình, bước đi phù hợp, bảo đảm tính khả thi và nguồn lực để thực hiện; bảo đảm đúng nguyên lý và nội hàm của quản lý nhà nước, giảm tối thiểu những việc làm cụ thể không phải quản lý nhà nước; tách nhà giáo ra khỏi đối tượng điều chỉnh của Luật Viên chức, nhưng cần kế thừa các quy định còn phù hợp với đặc thù nghề dạy học của Luật này; quy định cụ thể các chính sách đặc thù đối với nhà giáo (ngoài lương cơ sở, phụ cấp là cao nhất như Kết luận 91-KL/TW đã nêu) thì cần thiết kế thêm các chính sách hỗ trợ, thu hút nhân tài vào ngành giáo dục, người có tâm huyết giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phù hợp, khả thi, có khả năng đáp ứng nguồn lực của ngân sách nhà nước; cần làm rõ đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo và phương thức đào tạo có tính đến yếu tố đặc thù trong từng lĩnh vực để làm căn cứ quy định chính sách phù hợp; cần phân cấp, phân quyền mạnh trong hệ thống cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; giảm tối đa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của các cấp, các ngành, của giáo viên, của người dân; tăng cường hợp tác công tư trong đào tạo đội ngũ nhà giáo, khuyến khích tự học, tự bồi dưỡng đối với đội ngũ nhà giáo, tạo điều kiện để nhà giáo được tự do hành nghề trong khuôn khổ pháp luật; giao Chính phủ quy định về đội ngũ nhà giáo trong lực lượng vũ trang cho phù hợp, đúng thẩm quyền...

Phương Nhi

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này