Truy cập nội dung luôn

Tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh năm 2024

03/05/2024 19:55    121

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền vừa ký Công văn số 2153/UBND-KTN chỉ đạo tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho bò. Ảnh QNĐT

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố khẩn trương phê duyệt, bố trí các nguồn lực, kinh phí để triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản và Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản tại các huyện, thị xã, thành phố năm 2024 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1817/QĐ-UBND ngày 06/12/2023.

Tập trung chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức tốt việc đăng ký chăn nuôi, nắm chắc số lượng từng loại vật nuôi để tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm phòng; trong đó, tập trung đối với các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi, như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Dịch tả lợn Châu Phi,… tại các địa phương đã và đang có dịch, có nguy cơ cao, tiêm các đối tượng vật nuôi đến tuổi tiêm phòng và tiêm nhắc lại những đàn vật nuôi đã được tiêm vắc xin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch.

Trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng cấp huyện hỗ trợ thiệt hại kịp thời cho chủ cơ sở có vật nuôi bị tiêu hủy bắt buộc theo quy định tại Quyết định số 13/2023/QĐ-UBND ngày 29/3/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quy định mức hỗ trợ cho hộ sản xuất bị thiệt hại do dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.

Khi phát sinh ổ dịch, tập trung các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm, không để ổ dịch lây lan; tổ chức cách ly, xử lý động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, động vật chết theo từng loại dịch bệnh; vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất,...); kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp bán chạy, buôn bán, vận chuyển động vật bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường theo đúng quy định.

Khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; rà soát, tổ chức triển khai, hướng dẫn kỹ thuật, quản lý cho phù hợp tại địa phương nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong khi sử dụng vắc xin; khuyến khích người chăn nuôi chủ động mua vắc xin phòng bệnh.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức để người chăn nuôi biết về các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng hóa chất tiêu độc khử trùng, tiêm vắc xin phòng bệnh, đặc biệt là vắc xin DTLCP; chính sách hỗ trợ và chế tài xử lý các trường hợp vi phạm quy định về công tác phòng, chống dịch động vật.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2024 và các Kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn (CGC, LMLM, DTLCP, VDNC, Dại…). Căn cứ tình hình dịch bệnh, lưu hành các loại mầm bệnh, nguy cơ dịch bệnh và khuyến cáo sử dụng vắc xin của Cục Thú y và đề xuất của các địa phương để hỗ trợ vắc xin, hóa chất từ nguồn ngân sách tỉnh cho các địa phương tiếp tục triển khai tiêm phòng đại trà và tháng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc.

Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đặc biệt, thực hiện đầy đủ các giải pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật tại các cơ sở chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, bảo quản, buôn bán trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh động vật; tổ chức giám sát dịch bệnh, lưu hành các loại mầm bệnh đối với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như CGC, DTLCP, LMLM, VDNC,… để chủ động sử dụng vắc xin phù hợp, hiệu quả. Thực hiện nghiêm việc báo cáo dịch bệnh động vật qua Hệ thống thông tin dịch bệnh Việt Nam.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi - Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ngãi chịu trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát quyết liệt ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm, các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; cơ chế chính sách hỗ trợ và chế tài xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh.

 

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 03 tháng đầu năm 2024, cả nước có 06 ổ dịch Cúm gia cầm (CGC) A/H5N1 tại 06 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 9.000 con gia cầm, đặc biệt có 01 người tử vong do nhiễm vi rút CGC A/H5N1 và 01 người nhiễm vi rút CGC A/H9 đang được điều trị; 159 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tại 30 tỉnh, buộc tiêu hủy gần 5.000 con lợn, ttăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước; 26 ổ dịch Lở mồm long móng (LMLM) tại 09 tỉnh (tăng 31%); 43 ổ dịch Viêm da nổi cục (VDNC) tại 05 tỉnh; 101 ca bệnh Dại trên động vật tại 25 tỉnh.

Riêng tại Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh bệnh LMLM xảy ra tại 3 xã của các huyện: Sơn Tịnh, Bình Sơn, với tổng số con mắc bệnh 60 con, làm chết và tiêu hủy 11 con; bệnh VDNC trâu bò xảy ra tại 26 xã của 04 huyện: Bình Sơn, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành và thị xã Đức Phổ, với tổng số con mắc bệnh là 143 con, chết 57 con; bệnh DTLCP xảy ra tại 03 xã của các huyện: Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, với tổng số lợn tiêu hủy là 22 con.

 

B.T

https://vanban.quangngai.gov.vn/thongtin/vanban/detail?id=156225

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này