Truy cập nội dung luôn

QUY HOẠCH KKT DUNG QUẤT

 

  • Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045
  •  

Ngày 28-02-2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 168/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045.

 

Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045

Theo đó, phạm vi ranh giới Khu kinh tế Dung Quất với diện tích khoảng 45.332 ha, trong đó phần diện tích đất liền khoảng 33.581 ha, đảo Lý Sơn 1.492 ha và diện tích vùng biển khoảng 10.711,15 ha; bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của các xã: Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Chánh, Bình Thuận, Bình Trị, Bình Hải, Bình Phước, Bình Châu, Bình Hòa, Bình Tân Phú, Bình Thanh, Bình Dương, thị trấn Châu Ổ, và một phần diện tích các xã Bình Long, Bình Nguyên, Bình Hiệp, Bình Trung thuộc huyện Bình Sơn; toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Tịnh Phong và một phần diện tích của xã Tịnh Thọ thuộc huyện Sơn Tịnh; toàn bộ diện tích tự nhiên xã Tịnh Hòa, xã Tịnh Kỳ thuộc thành phố Quảng Ngãi; toàn bộ diện tích huyện đảo Lý Sơn và mặt biển liền kề.

Ranh giới hành chính các xã, huyện thuộc Khu kinh tế Dung Quất

Dự báo đến năm 2030, dân số khoảng 347.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 295.000 người, nông thôn khoảng 52.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 85%. Đến năm 2045, dân số Khu kinh tế Dung Quất khoảng 575.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 546.000 người, nông thôn khoảng 29.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 95%; Dự báo nhu cầu lao động làm việc trong các ngành kinh tế trên địa bàn KKT Dung Quất đến năm 2030 khoảng 309.700 người; đến năm 2045 khoảng 420.200 người; Quy mô đất xây dựng trên địa bàn KKT Dung Quất trong kỳ quy hoạch được dự báo khoảng 26.000 ÷ 26.500ha

Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045 đã xác định tầm nhìn trong tương lai: Khu kinh tế Dung Quất sẽ phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia; trong đó, lấy cảnh quan đô thị biển làm sức hấp dẫn, lấy nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển để đẩy mạnh kinh tế biển, hướng đến sự thịnh vượng.

Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông lâm ngư nghiệp. Trong đó, trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng với các ngành chủ đạo: Luyện cán thép, đóng tàu biển và các ngành công nghiệp khác gắn với việc khai thác cảng nước sâu; là khu vực phát triển đô thị; trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia; trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Là một trong các đầu mối giao thông vận tải, trao đổi hàng hóa và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực Miền Trung và Tây Nguyên; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia.

Khu kinh tế Dung Quất được chia làm 05 phân khu chức năng chính để kiểm soát phát triển gồm:

 

Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Bắc Dung Quất

 

Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Châu Ổ - Bình Long

 

Phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Nam Dung Quất

 

Phân khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất

Phân khu đô thị Lý Sơn

 

 

Không gian phát triển mới của các khu chức năng trong Khu kinh tế Dung Quất được điều chỉnh, sắp xếp lại như sau:

 

Trung tâm điện lực Dung Quất: Bổ sung Trung tâm điện khí, diện tích khoảng 103 ha thuộc địa bàn xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn.

 

Các KCN, Cụm công nghiệp, KCN - Đô thị - Dịch vụ có tổng diện tích khoảng 8.040 ha, với 7 khu vực phát triển công nghiệp tập trung.

 

Cảng, sân bay và các trung tâm dịch vụ hậu cần, logistic, có diện tích khoảng 608 ha, trong đó: Khu bến Dung Quất, Sa Kỳ, Tịnh Hòa -Tịnh Kỳ, Lý Sơn, diện tích khoảng 300 ha; sân bay Lý Sơn khoảng 153 ha; trung tâm dịch vụ hầu cần cảng, logistics, diện tích khoảng 155 ha.

 

Các đô thị, khu đô thị có tổng diện tích khoảng 14.000 ha, gồm: Đô thị Lý Sơn (huyện Lý Sơn), đô thị Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh) và 04 khu đô thị hạt nhân của đô thị Bình Sơn (Dốc Sỏi, Châu Ổ - Bình Long, Vạn Tường, Đông Nam Dung Quất), khu đô thị Tịnh Hòa -Tịnh Kỳ (thành phố Quảng Ngãi)

 

Trung tâm nghiên cứu, đào tạo tiếp tục được nâng cấp, mở rộng tại khu đô thị Vạn Tường; quy hoạch bổ sung mới tại khu đô thị Châu Ổ - Bình Long và đô thị Tịnh Phong. Diện tích quy hoạch khoảng 89 ha.

(6) Khu du lịch, khu dịch vụ tập trung, với diện tích khoảng 713 ha: Được quy hoạch 06 khu vực, gồm: Khu vực Thiên Đàng - Khe Hai thuộc xã Bình Thạnh; đầm Thuận Phước thuộc xã Bình Thuận; biển Lệ Thủy, Gành Yến thuộc xã Bình Trị và Bình Hải; biển Bình Châu thuộc xã Bình Châu và huyện đảo Lý Sơn.

 

Các khu dân cư, làng xóm đô thị hóa có diện tích khoảng 4.275 ha: Được cải tạo, nâng cấp theo lộ trình phát triển đô thị, gắn với phát triển du lịch, nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao.

 

Khu nông nghiệp, nông thôn: Bao gồm các khu dân cư gắn với sản xuất nông nghiệp, các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có diện tích khoảng 9.781 ha.

Đồ án đã xác định, phát triển Khu kinh tế Dung Quất gắn liền với phát triển mạng lưới đô thị trên địa bàn, cụ thể:

- Phấn đấu đến năm 2025: huyện Lý Sơn đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại IV; Toàn huyện Bình Sơn cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV, thành lập thị xã Bình Sơn trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi; xã Tịnh Phong huyện Sơn Tịnh cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại V.

- Giai đoạn 2026-2035:

Huyện Lý Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV; đô thị Bình Sơn cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III; Nâng cấp xã Tịnh Phong đạt đô thị loại V, thành lập thị trấn Tịnh Phong thuộc huyện Sơn Tịnh.

- Giai đoạn 2036-2045: Tập trung đầu tư hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng nâng cao cho các đô thị. Hướng tới thành lập thành phố Bình Sơn, thành phố Lý Sơn (huyện Lý Sơn) trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Từng bước hình thành vùng đô thị động lực phía Bắc của tỉnh Quảng Ngãi (gồm: Thành phố Quảng Ngãi, thành phố Bình Sơn, thị trấn Tịnh Phong và thành phố Lý Sơn) và của cả Vùng kinh tế trọng điểm Miền trung.

Định hướng kiến trúc, cảnh quan:

Phát triển không gian đô thị hiện đại, hấp dẫn, giàu bản sắc, dựa trên cấu trúc cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên, đồi núi, sông, hồ, biển, hải đảo.

- Vùng cảnh quan ven biển: Phát triển, quản lý và khai thác hợp lý diện tích rừng phòng hộ ven biển, kết hợp sử dụng vào các mục đích công cộng và hỗ trợ phát triển du lịch bền vững; thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển và từ hành lang bảo vệ bờ biển dành cho không gian công cộng.

- Vùng cảnh quan khu đô thị Dốc Sỏi: Khai thác tối đa lợi thế về cảnh quan ven biển và vị trí tiếp giáp phía Nam sân bay Chu Lai. Xây dựng mật độ thấp, diện tích không gian xanh lớn, hòa nhập với cảnh quan thiên nhiên. Hình thành các không gian xanh, các khoảng đệm và hành lang xanh phân tách các khu chức năng của đô thị, tạo sự đa dạng trong bố cục không gian.

- Vùng cảnh quan khu đô thị Châu Ổ - Bình Long: Khai thác tối đa cảnh quan khu vực hai bên bờ sông Trà Bồng, sông Bi để tổ chức các không gian xanh, hành lang xanh để tạo ra các khu vực có môi trường sinh thái, tầm nhìn tốt. Các công trình cao tầng được ưu tiên xây dựng dọc tuyến đường Quốc lộ 1 và dọc trục đường Dốc Sỏi - Hoàng Sa.

 

- Vùng cảnh quan các khu đô thị ven biển (Vạn Tường, Đông Nam Dung Quất): Là khu vực ven biển từ xã Bình Trị đến xã Bình Châu với mật độ xây dựng thấp và tầng cao tối đa khoảng 30 tầng tại quảng trường biển trên đại lộ Bắc Tịnh Phong - Bình Châu. Điểm nhấn không gian là cảnh quan mở của khu vực quảng trường biển nằm tiếp giáp với tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh. Các khu trung tâm Vạn Tường, Bình Châu bố trí các công trình cao tầng hiện đại, các trục đường hướng ra biển.

 

- Vùng cảnh quan đô thị Lý Sơn: Cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp các khu dân cư hiện hữu, phát triển các khu dân cư mới theo hướng kết hợp ở và khai thác phục vụ du lịch. Định hướng phát triển đô thị Lý Sơn thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; khai thác và sử dụng bền vững không gian biển đảo và tài nguyên biển phục vụ phát triển du lịch.

 

Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế

- Tập trung nâng cao giá trị các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn (công nghiệp lọc hóa dầu, luyện cán thép, cơ khí, đóng tàu biển…); Phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch; công nghiệp hỗ trợ; chế biến, chế tạo; xử lý nước thải, rác thải; năng lượng tái tạo; các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Đầu tư, phát triển KKT Dung Quất trở thành một trong những trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ. Đẩy mạnh phát triển các mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái

- Phát triển ngành dịch vụ đa dạng, hiện đại, bền vững; phát triển cả dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội và dịch vụ công; trong đó tập trung phát triển đột phá một số dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ngành dịch vụ có sức cạnh tranh cao, đưa Khu kinh tế Dung Quất trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, vận tải, kho bãi, logistic, thương mại của vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung; hình thành và phát triển khu du lịch quốc gia (Lý Sơn - Bình Châu - Mỹ Khê), đưa dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng...

Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đô thị gắn với sự kiện, lễ hội, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái biển; du lịch vui chơi giải trí cao cấp; kết hợp với du lịch tham quan, thưởng ngoạn cảnh quan biển đảo, công viên địa chất và tìm hiểu, khám phá các sản phẩm hàng hóa lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp của Khu kinh tế.

Quy hoạch và phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp phát triển du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có năng suất chất lượng cao, tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên, quỹ đất của khu kinh tế. Phát triển vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các xã Bình Phước, Bình Chánh, Bình Dương và huyện Lý Sơn; đầu tư nâng cấp hệ thống cảng cá và các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá.

Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng xã hội

 

- Phát triển hệ thống cơ quan, công trình hành chính cấp huyện, xã, thị trấn gắn với các đô thị trong khu kinh tế; phù hợp với yêu cầu, xu thế phát triển tổ chức hành chính mới và định hướng phát triển không gian tổng thể khu kinh tế; Dài hạn, xây mới trung tâm hành chính đô thị Bình Sơn và trung tâm hành chính mới đô thị Tịnh Phong huyện Sơn Tịnh.

- Xây dựng và phát triển hệ thống các công trình văn hóa hiện đại gắn với đô thị và các khu dân cư tập trung. Bố trí đầy đủ các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, thị trấn. Tôn tạo, bảo vệ các công trình có giá trị nghệ thuật, các di tích cách mạng, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển kinh tế - du lịch của Khu kinh tế Dung Quất.

- Xây dựng, nâng cấp hệ thống trường đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế tại các khu vực: Vạn Tường, Châu Ổ - Bình Long, Tịnh Phong. Hoàn thiện, bổ sung mạng lưới giáo dục phổ thông theo các cấp học.

- Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị y tế, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật đối với các cơ sở khám chữa bệnh hiện có. Hoàn thiện, nâng cao chất lượng cơ sở y tế cấp cơ sở.

- Xây dựng trung tâm TDTT cấp đô thị tại Khu đô thị Châu Ổ - Bình Long, Vạn Tường; nâng cấp hệ thống công trình TDTT hiện hữu, xây dựng các công trình luyện tập thể thao cấp đô thị, cấp khu ở hiện đại, tiêu chuẩn chất lượng. Xây dựng các khu cây xanh tập trung…

- Phát triển, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng nhà ở, đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư. Kiểm soát phát triển các khu vực làng xóm đô thị hóa. Cải thiện chất lượng nhà ở nông thôn. Tại khu vực trung tâm đô thị, khuyến khích xây dựng mô hình nhà ở kết hợp thương mại,

Định hướng phát triển hệ thống giao thông

- Giao thông đường bộ: Định hình phát triển mạng lưới khung giao thông chính trên địa bàn KKT Dung Quất dựa trên hệ trục chính Bắc Nam và Đông Tây hình thành các tuyến trục hành lang động lực.

- Đường sắt: Nâng cấp cải tạo và mở rộng 2 ga chính là ga Trì Bình và ga Bình Sơn; xây mới tuyến đường sắt chuyên dùng kết nối cảng Dung Quất với đường sắt Bắc – Nam; xây dựng tuyến đường sắt đô thị kết nối Khu kinh tế Mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất.

- Hàng hải:

* Đường biển: (1) Cảng Dung Quất: Các khu bến cảng tiếp tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch được duyệt, tuân thủ theo quy hoạch ngành quốc gia; là khu bến tổng hợp, bến container, bến chuyên dụng, phục vụ KKT Dung Quất và vùng phụ cận. (2) Cảng Sa Kỳ: Tiếp tục được đầu tư nâng cấp thành cảng tổng hợp. (3) Bến Vạn Tường và bến Bình Châu được xây dựng với chức năng là bến tàu khách du lịch. (4)  Khu cảng Lý Sơn được xây dựng, nâng cấp đồng bộ gồm: cảng tổng hợp Lý Sơn và An Bình; cảng hành khách  An Vĩnh và cảng hành khách Quốc tế (phía Nam sân bay Lý Sơn). Tiếp tục sử dụng cảng Bến Đình hiện nay, dài hạn điều chỉnh, nâng cấp phù hợp định hướng phát triển không gian toàn đảo phục vụ đa mục tiêu vận tải hàng hoá, hành khách, cũng cấp dịch vụ hạ tầng nghề biển... Bố trí các khu vực neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, cứu nạn cứu hộ trên biển kết hợp phục vụ an ninh quốc phòng trên Đảo Lớn.

* Đường thủy nội địa: Cảng Tịnh Hòa và cảng Tịnh Kỳ là cảng cá và là khu neo đậu tàu thuyền trú bão, đáp ứng nhu cầu của dân cư hoạt động trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản; cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền tránh bão Sa Cần tại xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn; cảng cá sông Trà Bồng tại xã Bình Đông, huyện Bình Sơn.

* Hàng không: Xây dựng sân bay trên đảo Lý Sơn là sân bay lưỡng dụng kết hợp giữa sân bay quân sự và sân bay dân dụng cấp hạng 4C hoặc tương đương, có năng lực khai thác từ 3 triệu đến 3,5 triệu hành khách/năm. Phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn trên biển.

- Các định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác như: chuẩn bị kỹ thuật, cấp điện, thông tin liên lạc, cấp thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn, nghĩa trang… từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng hiện hành.

26 năm – một chặng đường của KKT Dung Quất đã khẳng định vai trò hạt nhân tăng trưởng đối với nền kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Ngãi khi đóng góp khoảng 90% sản lượng công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu ngân sách của tỉnh.

Việc Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045 là kịp thời và điều tất yếu để khai thác tối ưu các lợi thế ở một vùng đất đầy tiềm năng và triển vọng cũng như đảm bảo các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới của Đất nước.  Đây chính là nền tảng, động lực để Quảng Ngãi trở thành hạt nhân tăng trưởng, là trung tâm đô thị – công nghiệp – dịch vụ, là động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Ngãi và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045 là bước đi quan trọng, nhằm cụ thể hóa các chiến lược phát triển mới của Quốc gia, của vùng; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045./.

Tài liệu đính kèm Quyết định số 168/QĐ-TTg

  •                          

TT

Tên bản vẽ

Tỷ lệ

Ký hiệu

1

Sơ đồ vị trí và liên hệ vùng 

1/50.000

QH-01

2

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan, hệ thống hạ tầng xã hội

1/10.000

QH-02

3

Bản đồ hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật & môi trường

1/10.000

 

-

Giao thông 

 

QH-03a

-

Cao độ nền và thoát nước mưa

 

QH-03b

-

Cấp nước

 

QH-03c

-

Cấp điện

 

QH-03d

-

TTLL

 

QH-03e

-

Thoát nước thải, QLCTR, NT

 

QH-03f

-

Môi trường

 

QH-03g

4

Bản đồ đánh giá tổng hợp & lựa chọn đất xây dựng

1/10.000

QH-04

5

Sơ đồ cơ cấu phát triển khu kinh tế

1/10.000

QH-05

6

Sơ đồ định hướng phát triển không gian 

1/10.000

QH-06

7

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất & phân khu chức năng theo các giai đoạn quy hoạch

1/10.000

QH-07

8

Bản đồ định hướng phát triển giao thông

1/10.000

QH-08

9

Bản đồ định hướng cao độ nền & thoát nước mưa

1/10.000

QH-09

10

Bản đồ định hướng cấp nước

1/10.000

QH-10

11

Bản đồ định hướng cấp điện

1/10.000

QH-11

12

Bản đồ định hướng hệ thống viễn thông

1/10.000

QH-12

13

Bản đồ định hướng thoát nước thải, quản lý chất thải rắn & nghĩa trang

1/10.000

QH-13

14

Bản đồ đánh giá môi trường chiến lược

1/10.000

QH-14

15

Bản vẽ định hướng kiểm soát về kiến trúc, cảnh quan 

Thích hợp

QH-15

         

 

 

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này