Truy cập nội dung luôn

Cho ý kiến về Đề án liên kết phát triển rừng trồng sản xuất và kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát triển rừng ngập mặn Bàu Cá Cái

15/06/2022 16:28    926

Sáng 15-6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì họp để nghe và chỉ đạo thực hiện xây dựng Đề án liên kết phát triển rừng trồng sản xuất; kế hoạch xây dựng 200 ngôi nhà ở an toàn chống chịu bão lũ và kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát triển rừng ngập mặn Bàu Cá Cái (huyện Bình Sơn).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2021, tổng diện tích rừng trồng sản xuất trên địa bàn tỉnh khoảng 119.924 ha, trong đó diện tích của hộ gia đình cá nhân khoảng 73.350 ha, chiếm 61% diện tích rừng trồng sản xuất, quy mô trung bình mỗi hộ khoảng 1-2 ha rừng trồng, chủ yếu là cây keo lai.

Thực trạng trồng rừng, sản xuất chế biến, tiêu thụ lâm sản trên địa bàn tỉnh trong những năm qua mặc dù đã góp phần giải quyết được việc làm, thu nhập cho người dân nhưng cho đến nay chưa có bước chuyển biến lớn về chất, thu nhập của người trồng rừng đạt thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế đất đai của địa phương. Người dân trồng rừng còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa có liên doanh, liên kết; kỹ thuật lâm sinh chưa đạt chuẩn, chu kỳ trồng rừng ngắn 4-5 năm đã làm giảm giá trị kinh tế. Chưa hình thành được vùng nguyên liệu gỗ lớn, vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững chỉ đạt khoảng 2,5% tổng diện tích rừng trồng (phần lớn diên tích là của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ), chưa tạo động lực để phát triển ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ; lâu nay sản phẩm rừng trồng chủ yếu phục vụ cho thị trường dăm gỗ.

Để giải quyết những tồn tại, bất cập trên, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng Đề án liên kết phát triển rừng trồng sản xuất, theo chuỗi giá trị từ trồng rừng, khai thác rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, với mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 10.000 ha rừng trồng sản xuất thực hiện liên kết giữa chủ rừng với chủ rừng; giữa chủ rừng với doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã cho ý kiến chỉ đạo đối với từng nội dung cụ thể của Đề án, giao Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp thu hoàn chỉnh Đề án; trong đó lưu ý bổ sung vào Đề án 5 nguyên tắc quy định; đồng thời không đặt nặng vấn đề ngân sách nhà nước hỗ trợ các nội dung liên quan đến liên kết phát triển rừng sản suất; khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh liên kết với các chủ rừng phát triển rừng trồng theo phương án quản lý rừng bền vững để huy động nguồn vốn đầu tư và hình thành chuỗi giá trị trong phát triển rừng trồng bền vững nhằm tăng thu nhập cho người trồng rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.  

Về kế hoạch quản lý, bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn Bàu Cá Cái (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn), đây là một trong những hợp phần của Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi”. Từ năm 2019 đến nay, dự án đã triển khai trồng mới 22,52 ha rừng ngập mặn (chủ yếu là cây cóc trắng), đạt tỷ lệ sống khoảng 70% và quản lý bảo vệ 49,95 ha  rừng ngập mặn trong vùng.

Khu vực rừng ngập mặn Bàu Cá Cái giờ không chỉ phục vụ mục đích phòng hộ, khu vực này hiện còn là sinh kế lâu dài của người dân trong vùng. Với cảnh đẹp vốn có, nhiều đơn vị cũng liên hệ để thực hiện các dự án du lịch cộng đồng tại đây.

Trước mắt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phải thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển diện tích rừng ngập mặn hiện có. Về lâu dài, giao các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, bảo vệ thay vì Ban Quản lý KKT Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi quản lý thực hiện nhiệm vụ, chức năng này như hiện nay. Sau khi bàn giao, chính quyền địa phương, cụ thể là UBND xã Bình Thuận sẽ xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn cộng đồng, khuyến khích khai thác, phát triển theo hướng du lịch sinh thái bền vững.

Về kế hoạch xây dựng 200 ngôi nhà ở an toàn chống chịu bão lũ do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Quỹ khí hậu xanh (GCF) tài trợ, thuộc Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi”, theo Ban Quản lý dự án, từ năm 2017-2021, dự án đã thực hiện hỗ trợ xây dựng hoàn thành 683 nhà an toàn chống chịu bão, lũ tại các địa phương ven biển gồm: huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa, thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi. Thời gian qua, nhà chống chịu bão, lũ đã phát huy hiệu quả thiết thực, là nơi tránh trú an toàn cho người dân vùng thiên tai, vì vậy các cơ quan tài trợ đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện dự án tại Quảng Ngãi đến tháng 6/2023 để hỗ trợ xây dựng  thêm 200 nhà chống chịu bão, lũ tại các vùng có nhu cầu. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền giao Sở Xây dựng, các địa phương liên quan chủ động rà soát, lựa chọn lập danh sách, đảm bảo đúng đối tượng và điều kiện hỗ trợ theo  yêu cầu của dự án. UBND tỉnh cam kết bố trí đủ vốn đối ứng để dự án triển khai đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra.

P.V

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này