Phấn đấu xây dựng tỉnh Quảng Ngãi phát triển toàn diện, vững chắc
Năm 2024, Quảng Ngãi đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với 25/25 chỉ tiêu chủ yếu kinh tế, xã hội đều đạt và vượt làm tiền đề để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của cả giai đoạn 2020- 2025. Nhằm đánh giá lại những kết quả nổi bật tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được trong năm qua và những nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2025, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang đã có trao đổi với Cổng TTĐT tỉnh về nội dung này.
PV: Thưa Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2024, Quảng Ngãi đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với 25/25 chỉ tiêu kinh tế, xã hội đều đạt và vượt, xin đồng chí cho biết Quảng Ngãi đã làm gì để đạt được những kết quả đó?
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang: Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2021-2025. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; dịch bệnh, thiên tai và biến đổi khí hậu trở thành rủi ro thường trực; nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Tuy vậy, nhờ sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân trên địa bàn tỉnh, tình hình KT-XH năm 2024 đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, tất cả 25/25 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu năm 2024 của tỉnh đều đạt (trong đó có 10 chỉ tiêu vượt) so với chỉ tiêu Nghị quyết số 85/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của HĐND tỉnh đề ra.
Nổi bật là tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 64.289 tỷ đồng, tăng 4,07% (kế hoạch 2,5% - 3%); Quy mô nền kinh tế (GRDP theo giá hiện hành) năm 2024 đạt hơn 132.581 tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2023; năng suất lao động xã hội tăng 3,9%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 30.177 tỷ đồng vượt 18,1% so với dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao; tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2024 ước đạt gần 69.000 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2023, có thêm 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 huyện đạt chuẩn. Bên cạnh đó, chỉ tiêu Trường đạt chuẩn quốc gia vượt kế hoạch đề ra (58,25% trường mầm non, 88% trường tiểu học, 91,33% trường THCS, 38,88% trường tiểu học - THCS và 71,79% trường THPT đạt chuẩn Quốc gia); số bác sĩ/vạn dân đạt 8,97 người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,83%, trong đó, miền núi giảm 7,63%...
Trong năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hiệu quả 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia trên địa bàn tỉnh; chủ động ứng phó các tình huống thiên tai trong mùa mưa, bão năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Tập trung công tác chỉ đạo đẩy mạnh việc tuyên truyền, tuân thủ quy định pháp luật, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy,...; phấn đấu cùng với cả nước gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với hải sản của Việt Nam và đạt một số kết quả nhất định đã được Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao. Tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 01/11/2024); tăng cường quản lý hiệu quả công tác lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng; đến nay, tỉnh đã phê duyệt 4 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 và đang tiếp tục triển khai lập 5 đồ án quy hoạch phân khu còn lại phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045; tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Cùng với lĩnh vực kinh tế, các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh cũng được tổ chức sôi nổi, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Các hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, thương mại được thực hiện thường xuyên, có chất lượng. Các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội tiếp tục quan tâm, chú trọng triển khai. Công tác chuyển đổi số được chú trọng thực hiện trong tất cả các lĩnh vực. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
PV: Năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ 2020 - 2025, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Đây cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và của tỉnh, đặc biệt là Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Vậy xin đồng chí cho biết những định hướng lớn của tỉnh trong năm 2025?
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang: Bối cảnh thế giới và trong nước tạo ra cả cơ hội và thách thức cho sự phát triển của Quảng Ngãi trong thời gian đến. Yêu cầu đặt ra đối với tỉnh là phải nắm bắt các cơ hội đem lại từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, trong đó, cần ưu tiên cho phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, tăng cường chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững; tiếp tục khai thác hiệu quả các lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát triển, nhất lĩnh vực công nghiệp và du lịch.
Năm 2025, bên cạnh những thuận lợi, dự báo kinh tế của Quảng Ngãi sẽ có những khó khăn, thách thức như: Việc dự ước số thu ngân sách từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phụ thuộc rất lớn vào giá dầu thô trên thế giới, tỷ trọng dầu thô Bạch Hổ, những yếu tố này biến động khó lường; Thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh trầm lắng, các dự án bất động sản còn gặp nhiều vướng mắc về cơ chế nên thu tiền sử dụng đất dự kiến đạt thấp; Hạ tầng để thu hút đầu tư phát triển còn hạn chế; Số hộ nghèo còn cao; Phát triển du lịch chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, sản phẩm chưa tạo được thương hiệu riêng, sức cạnh tranh thấp.
Quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, trong năm 2025, Tỉnh tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả 4 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá trong giai đoạn 2020-2025. Đổi mới, mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, phù hợp với khả năng thực hiện của các ngành, các cấp, các địa phương trong tỉnh, gắn với việc tiếp tục nắm chắc tình hình, chủ động phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Tập trung thực hiện quyết liệt đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành các công trình trọng điểm; thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác hướng dẫn xử lý, hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời, dứt điểm khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân về sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Cùng với đó, trong năm 2025, Tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục tăng cường chuyển đổi số; kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; đẩy mạnh phát triển và ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng; phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, thực chất hơn. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội. Bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tập trung sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường phân cấp, phân quyền thực chất, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự và an toàn xã hội. Phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong năm 2025.
Dựa trên kết quả về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh năm 2024; căn cứ, dự báo thời cơ, thuận lợi và hạn chế, thách thức ở trong nước và trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh xây dựng 3 phương án tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2025. Căn cứ tình hình thực tiễn của tỉnh, dự báo, nhận định của các cấp, các ngành, tỉnh chọn phương án với chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 7,5 - 8,5%; GRDP bình quân đầu người khoảng 4.710 USD; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ trong GRDP chiếm khoảng 71-72% (công nghiệp - xây dựng 46-47%); năng suất lao động xã hội tăng 7,5 - 8,5%; vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt khoảng 38 - 39 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%; phấn đấu thu ngân sách đạt và vượt mức chỉ tiêu trung ương giao; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn khoảng 30,16%; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,21%...
Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2025 - năm cuối cùng của nhiệm kỳ 2020 - 2025 là hết sức nặng nề. UBND tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực, quyết tâm cao nhất, quyết liệt trong hành động; kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2025 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025 đã đặt ra. Trong đó, tỉnh sẽ triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Trung ương về phát triển KT-XH năm 2025. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả 4 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Tập trung thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thu, chi ngân sách nhà nước. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển KT-XH của tỉnh, như: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn; Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh; Cầu Trà Khúc 3; Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi... Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2; Dự án Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP 2,...
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cụ thể hóa các quy hoạch, nhất là Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045 và các quy hoạch phân khu 1/2000 trong KKT Dung Quất. Tổ chức triển khai thực hiện Đề án xây dựng trung tâm lọc, hoá dầu và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất và Đề án phát triển huyện đảo Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển - đảo. Phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, theo mô hình - tiêu chí tăng trưởng xanh, sinh thái, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số; đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Tập trung thu hút các dự án đầu tư có chất lượng theo danh mục thu hút đầu tư vào tỉnh giai đoạn 2024 - 2025. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động, tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển toàn diện văn hoá - xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác nội chính và đối ngoại.
PV: Thưa đồng chí, được biết, cải cách hành chính và chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, thời gian qua Quảng Ngãi đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ này như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp?
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã xác định “Cải cách hành chính; nâng cao thứ hạng các chỉ số về cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”, đây là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2020-2025. Để đạt được mục tiêu đặt ra, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/10/2021; Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 93/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021; UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Tỉnh đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành CCHC; chuyển mạnh từ cơ chế “xin-cho” sang cơ chế “phục vụ”; CCHC phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của đối tượng phục vụ, lấy sự hài lòng của tổ chức, công dân là thước đo chủ yếu đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ này để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển chính quyền điện tử, bước đầu hình thành chính quyền số, chuyển đổi số, đặc biệt là từ khi thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 18/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã thực sự vào cuộc đối với công tác chuyển đổi số và đạt được những kết quả quan trọng. Tại Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã nhấn mạnh quan điểm: “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn". Ngoài ra, tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong người dân và doanh nghiệp.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chuyển đổi số tại tỉnh Quảng Ngãi đã góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân, tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, từ đó đẩy mạnh phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, từng bước thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng, miền, mang lại cuộc sống tiện ích cho người dân.
PV: Trước thềm năm mới Ất Tỵ sắp đến, đồng chí có nhắn gửi gì đến cán bộ, quân và dân tỉnh nhà?
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang: Vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, năm 2024, Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả tích cực và toàn diện trên các lĩnh vực công tác. Kết quả này có được từ sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà. Đây cũng là động lực, là nền tảng quan trọng để tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục vững tin, phát triển mạnh mẽ hơn nữa, trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng miền Trung; tạo tiền đề để đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước.
Trước thềm Xuân mới Ất Tỵ 2025, thay mặt UBND tỉnh, tôi kêu gọi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà tiếp tục chung sức, đồng lòng, quyết tâm và nỗ lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KT- XH năm 2025, cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025, xây dựng tỉnh Quảng Ngãi phát triển toàn diện, vững chắc, ngày càng giàu mạnh, văn minh, mọi người, mọi nhà đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!