CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Tỉnh Quảng Ngãi

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ngãi

File đính kèm:

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền vừa ký Công văn số 2083/UBND-KTN chỉ đạo về việc triển khai thực hiện Quyết định số 311/QĐ-BXD ngày 25/3/2025 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cảng Bến cảng Bến Đình (đảo Lý Sơn)

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện: Bình Sơn, Lý Sơn, UBND thị xã Đức Phổ, UBND thành phố Quảng Ngãi rà soát các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và các quy hoạch khác có liên quan đảm bảo phù hợp Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ngãi. Xây dựng kho dữ liệu tập trung phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và khai thác cảng; thiết lập bản đồ số hóa hệ thống cảng biển phục vụ công tác thống kê, tra cứu, quy hoạch và tối ưu hóa tiến trình phát triển cảng biển Quảng Ngãi. Chủ trì, phối hợp với Sở, ngành, địa phương rà soát nhu cầu cán bộ cần đào tạo đến chuyên môn quản lý, khai thác hạ tầng cảng biển; trên cơ sở đó, đăng ký với Sở Nội vụ để có kế hoạch đào tạo phù hợp.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở, ban, ngành và các địa phương liên quan tổng hợp, tham mưu cấp thẩm quyền xem xét, bố trí vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để thực hiện các dự án của quy hoạch (nếu có) theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan. Chủ trì, phối hợp với Sở, ban, ngành và các địa phương liên quan để giải quyết các vấn đề có liên quan theo quy định trong quá trình chấp thuận, cấp phép đầu tư bến cảng, cầu cảng theo thẩm quyền được phân cấp.

Sở Nông nghiệp và Môi trường tham mưu UBND tỉnh công bố danh mục khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét trên bờ và nhận chìm chất nạo vét ở biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi theo quy định. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương có biển thực hiện tham mưu trình cấp có thẩm quyền giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển ở vùng nước cảng biển theo đúng quy định tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ và Nghị định số 65/2025/NĐ-CP ngày 12/3/2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ngãi gắn với quản lý đất đai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Sở Nội vụ thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở các lĩnh vực có liên quan đến quản lý, khai thác hạ tầng cảng biển theo đề xuất của Sở Xây dựng.

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở ban, ngành, UBND các huyện: Bình Sơn, Lý Sơn, UBND thị xã Đức Phổ, UBND thành phố Quảng Ngãi xây dựng và triển khai thực hiện các dự án, nhiệm vụ lĩnh vực quốc phòng, an ninh được giao (nếu có) của Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ngãi. Rà soát, kiến nghị điều chỉnh (nếu có) các quy hoạch liên quan đến quốc phòng, an ninh phù hợp với Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ngãi. Tham gia ý kiến về các chương trình, đề án, dự án có liên quan đến an ninh, quốc phòng trong việc thực hiện các dự án phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế biển trong phạm vi Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ngãi, bảo đảm kết hợp phát triển các ngành kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi rà soát, cập nhật các quy hoạch thuộc phạm vi quản lý bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ngãi. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương hướng dẫn triển khai, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, công nghệ số và chuyển đổi số trong xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống cảng biển; đẩy mạnh chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương tại các cảng đầu tư mới, đầu tư bổ sung và cảng hiện hữu đáp ứng các tiêu chí cảng xanh. Chủ trì, phối hợp với Sở, ban, ngành[P1]  và các địa phương liên quan để giải quyết các vấn đề có liên quan theo quy định trong quá trình chấp thuận, cấp phép đầu tư bến cảng, cầu cảng theo thẩm quyền được phân cấp.

UBND các huyện: Bình Sơn, Lý Sơn, UBND thị xã Đức Phổ, UBND thành phố Quảng Ngãi rà soát, cập nhật các quy hoạch, kế hoạch, các dự án trên địa bàn bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ngãi và các định hướng phát triển hạ tầng giao thông kết nối cảng biển được phê duyệt. Quản lý, bố trí quỹ đất chặt chẽ để phát triển đồng bộ cảng và hạ tầng kết nối với cảng, khu dịch vụ hậu cảng, dịch vụ hàng hải đảm bảo điều kiện hoạt động thuận lợi cho các cầu, bến cảng.

Theo Quyết định số 311/QĐ-BXD Ngày 25/03/2025 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với nội dung chủ yếu sau: Cảng biển Quảng Ngãi gồm khu bến Dung Quất, bến cảng Sa Kỳ, bến cảng Mỹ Á, bến cảng Bến Đình (đảo Lý Sơn) và các bến cảng tiềm năng khác theo quy hoạch khu kinh tế Dung Quất phục vụ giao lưu giữa đất liền với đảo Lý Sơn và phát triển kinh tế - xã hội địa phương; các khu neo đậu, khu chuyển tải, tránh bão.

Mục tiêu đến năm 2030, hàng hóa thông qua từ 47,20 đến 48,20 triệu tấn (chưa bao gồm hàng của các dự án mở rộng/xây mới Khu liên hợp sản xuất gang thép); hành khách từ 1,13 đến 1,26 triệu hành khách. Về kết cấu hạ tầng, có tổng số 11 bến cảng gồm 41 cầu cảng với tổng chiều dài 8.251,5 m (chưa bao gồm các bến cảng khác).

Tầm nhìn đến năm 2050, hàng hóa thông qua các cảng biển với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,5%/năm đến 5,5%/năm. Về kết cấu hạ tầng: tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa.

 


Tác giả: B.T