Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh
Chiều 18-4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh gồm Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy và các đại biểu Đinh Thị Phương Lan, Trần Thị Hồng An, Huỳnh Thị Ánh Sương, Lương Văn Hùng, Vũ Thị Liên Hương đã có buổi làm việc với Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh; Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và các sở, ngành của tỉnh.

Tham dự buổi làm việc, có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Cao Phúc; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên; Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Bá Minh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh đã báo cáo sơ lược về tình hình kinh tế - xã hội trong thời gian qua; những khó khăn, vướng mắc của địa phương, đồng thời thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương về một số nội dung liên quan đến cơ chế tiếp nhận, sử dụng kinh phí và hoàn trả kinh phí khi nhà đầu tư tự nguyện ứng trước để cơ quan nhà nước xây dựng các dự án tái định cư; tham mưu sửa đổi quy định về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo hướng phù hợp hơn với điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng được triển khai và thực hiện hiệu quả; tham mưu sửa đổi Nghị định 90 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho người đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Ban hành Thông tư quy định định mức và đơn giá dịch vụ cho việc xác định tình trạng nghiện và cai nghiện ma tuý tại cơ sở cai nghiện ma tuý công lập…
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tỉnh đề nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ khó khăn của các địa phương khi tuyển dụng giáo viên, để đảm bảo tỉ lệ giáo viên/lớp theo quy định hiện hành; sử dụng đủ chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao; không quy định tỉ lệ biên chế thực hiện tinh giản hằng năm đối với ngành giáo dục. Đồng thời, tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung để có sự đồng bộ về chính sách và việc tuyển dụng viên chức; điều chỉnh Thông tư số 20 theo hướng quy định mức tối đa số học sinh/lớp, đồng thời, tùy theo số lượng học sinh tuyển mới của từng năm học và thực tế cơ sở vật chất trường lớp học cũng như đội ngũ giáo viên mà thực hiện phân chia số học sinh/lớp thì mới đảm bảo tính thực tiễn, hợp lý.
Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị các Bộ ngành, cơ quan Trung ương sớm ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước để địa phương có cơ sở thực hiện.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua, nhất là sự chủ động của tỉnh trong việc triển khai thực hiện đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 30 luật, 7 nghị quyết, trong đó, việc sửa đổi Hiến pháp 2013 và có nhiều luật có ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật Nhà giáo, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi),…; cho ý kiến đối với 6 dự án luật và xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác, công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước, đặc biệt Đề án sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong thời gian tới, tỉnh cần làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, vận động ổn định tư tưởng của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo sự đoàn kết, đồng thuận, thống nhất cao; triển khai quyết liệt công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, chủ động sắp xếp, bố trí hợp lý cán bộ, công chức, viên chức, với yêu cầu giữ chân người tài; chuẩn bị đầy đủ các cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi cao nhất cho việc sắp xếp; bảo đảm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương sau khi sắp xếp đi vào hoạt động liên tục, thông suốt, không gián đoạn, không bỏ trống nhiệm vụ, không để trống địa bàn.