Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh tổ chức cho các em học sinh trải nghiệm và hướng nghiệp tại Làng Gò Cỏ
Các em thực hành vẽ hoa văn gốm tiền sử Sa Huỳnh
Đoàn đã đến tham quan các cơ sở làm gốm thủ công tại làng Gốm Vĩnh An (xã Phổ Khánh). Tại đây, các em học sinh đã được cả gia đình cô Mai Thị Hồng Tư ân cần hướng dẫn cách sử dụng bàn xoay, tạo hình sản phẩm và vẽ hoa văn của gốm tiền sử Sa Huỳnh kết hợp với sự sáng tạo của chính bản thân các em. Chị Nguyễn Thị Hữu (41 tuổi) - con gái cô Tư cũng là người khiếm thính, nhưng khi có đoàn đến tham quan, chị rất nhiệt tình hướng dẫn và hỗ trợ các em học sinh trải nghiệm làm gốm. Ngày thường chị cũng phụ giúp gia đình công việc nhà và làm các sản phầm gốm gia dụng.
Chị Hữu (ngồi bên trái) đang hướng dẫn các em tạo hình gốm
Điểm đến thứ hai trong hành trình của đoàn là làng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh). Đoàn tham quan các cơ sở kinh doanh, homestay nhà tranh vách đất… dùng cơm trưa tại nhà dân, được cộng đồng ở đây đón tiếp ân cần và cùng nhau trò chuyện chia sẻ về công việc và cuộc sống hàng ngày nơi làng chài.
Tham quan thư viện, tìm hiểu hoạt động của thiếu nhi làng Gò Cỏ qua ảnh
Buổi chiều, các em học sinh và phụ huynh cùng người dân tham gia các hoạt động trải nghiệm như đan lưới, làm bánh tráng nướng. Đây cũng là công việc mưu sinh hàng ngày của một vài hộ gia đình đang sinh sống tại làng. Gia đình chị Nguyễn Thị Én, người tham gia hướng dẫn đan lưới cũng là hộ nghèo trong làng, gia đình chị có 3 người khuyết tật, nhưng nụ cười tươi tắn luôn hiện trên gương mặt của chị. Được hướng dẫn cho các em nhỏ, chị rất vui và hạnh phúc.
Trò chuyện cùng gia đình chị Én (em Nam, áo xanh ở giữa là người câm điếc)
Chị Én (ngồi giữa) đang hướng dẫn các em đan lưới
Đoàn tiếp tục tham gia trải nghiệm làm bánh tráng nướng tại gia đình chị Huỳnh Thị Lưỡng. Các em học sinh tự tay nướng bánh tráng và mời phụ huynh cùng giáo viên thưởng thức thành phẩm do chính mình làm.
Chị Lưỡng (áo xanh bên trái) hướng dẫn các em làm bánh tráng nướ
Tại Trung tâm du khách làng Gò Cỏ, sau khi được bà Nguyễn Thị Gá chia sẻ thông tin về quá trình khôi phục lại cách làm muối trên đá, theo phương thức của người tiền sử Sa Huỳnh, anh Chu Trí Khánh (Hà Nội) là tình nguyện viên tại làng Gò Cỏ, đã hướng dẫn các em trong đoàn, cùng các bạn nhỏ làng Gò Cỏ pha chế cà phê muối từ chính những hạt muối được sản xuất trên trảng muối cổ ở làng.
Các em đang học pha cà phê với muối cổ làng Gò Cỏ
HTX du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ cùng Công ty TNHH SungCo đã có buổi toạ đàm trao đổi với đại diện Trung tâm, phụ huynh và người dân làng Gò Cỏ về kế hoạch hướng nghiệp, học nghề, tạo việc làm cho các em học sinh. Đại diện phụ huynh học sinh rất vui mừng và cho đây là môi trường hoà nhập tốt, người dân thân thiện và con mình có thể ở tại chỗ để tham gia một số hoạt động cùng trẻ em và học việc làm gốm, pha chế, đan lưới...
Các em học sinh khuyết tật tham gia chương trình trải nghiệm
Trong thời gian tới, để thực hiện thành công mô hình định hướng nghề nghiệp gắn với nghề truyền thống và du lịch cộng đồng cho các em khuyết tật, rất cần sự thống nhất của các bậc phụ huynh, của chính bản thân các em học sinh. Bên cạnh đó, vấn đề tài chính, nhân lực hỗ trợ cũng cần phải có kế hoạch chi tiết cụ thể,... Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập tỉnh cần chủ động tuyên truyền cho các bậc phụ huynh và các em học sinh để phối hợp với các đơn vị liên quan cùng nhau bàn bạc để đi đến thống nhất việc xây dựng kế hoạch cụ thể, với mục tiêu giúp các em định hướng con đường nghề nghiệp phù hợp với khả năng và sở thích của bản thân, từ đó hình thành và phát triển nghề nghiệp yêu thích tiến tới hoà nhập cộng đồng lâu dài.
D.L