Một số nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 30/12/2024-5/01/2025
Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bệnh trên đàn vật nuôi trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý; Tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm; Triển khai công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi… là một số nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 30/12/2024-5/01/2025
Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bệnh trên đàn vật nuôi trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền vừa ký Công văn số 7110/UBND-KTN chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; chấn chỉnh công tác phòng chống dịch bệnh, rà soát và báo cáo số liệu dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi, nhất là tôm nước lợ tại các vùng nuôi trên địa bàn quản lý theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Quyết định số 791/QĐ-UBND ngày 12/12/2024 về việc phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh, năm 2025; trong đó, tập trung công tác tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi; tiêm phòng đầy đủ đối với các bệnh (Lở mồm long móng, Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Dại,...) tại các khu vực có ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao, địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại và hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản năm 2025 đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn.
Khẩn trương lập và phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn cấp huyện năm 2025 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Quyết định số 791/QĐ-UBND ngày 12/12/2024; trong đó, kiểm tra, bố trí đầy đủ kinh phí cho công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, giám sát theo quy định,…
Đồng thời, chỉ đạo các phòng ban, đơn vị có liên quan và UBND cấp xã tăng cường công tác giám sát nghiêm tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt con giống cung cấp cho các hộ nuôi khi thực hiện các Chương trình, dự án hỗ trợ chăn nuôi trên địa bàn. Trong đó, đối với việc nhập con giống thủy sản, nhất là tôm giống nước lợ tại các vùng nuôi phải thực hiện khai báo ban đầu và có sự kiểm tra con giống của chính quyền cấp xã trước khi thả ra hồ nuôi; đây là điều kiện bắt buộc phải thực hiện, khi có xem xét đến việc hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh cho người nuôi trồng thủy sản theo quy định.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đặc biệt là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở để người chăn nuôi, người nuôi trồng thủy sản biết về các quy định của pháp luật phòng, chống dịch bệnh động vật và tác hại của dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật đối với từng đối tượng vật nuôi, vùng nguy cơ, để báo cáo, chia sẻ thông tin về dịch bệnh động vật và tiêm phòng, vệ sinh, sát trùng, chăn nuôi an toàn sinh học theo quy định. Nghiêm túc thực hiện 3 không: “không giấu dịch, không xả thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm và lây lan dịch bệnh và sử dụng kháng sinh không theo hướng dẫn”.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định và các giải pháp được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 791/QĐ-UBND ngày 12/12/2024 về Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2025.
Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên vừa ký Công văn số 7101/UBND-KTTH chỉ đạo thực hiện Công điện 138/CĐ-TTg ngày 20/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Công tác Tổng kiểm kê đối với tài sản công là nhiệm vụ chính trị lớn của cả nước để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý, sử dụng, khai thác, huy động có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng. Thông qua công tác Tổng kiểm kê và tổng hợp số liệu kiểm kê cho phép tổng hợp, đánh giá thực trạng tài sản và công tác quản lý, sử dụng tài sản công; từ đó hoàn thiện chính sách, pháp luật và công tác tổ chức quản lý tài sản công, phục vụ xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và báo cáo về tài sản, báo cáo tài chính nhà nước của quốc gia. Vì vậy, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương rà soát, tăng cường công tác hạch toán, quản lý, sử dụng tài sản công, bảo đảm kiểm kê đầy đủ tài sản hiện có, thông tin về tài sản được kiểm kê đầy đủ, chính xác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Gắn công tác kiểm kê tài sản công với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Ngay trong quá trình kiểm kê, nếu phát hiện tài sản không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng không hiệu quả thì phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý, không chờ đến khi kết thúc Tổng kiểm kê, bảo đảm tài sản công được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.
Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, kết thúc hoạt động, chuyển chức năng, nhiệm vụ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị khác do sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính vẫn phải thực hiện nhiệm vụ Tổng kiểm kê đến khi chính thức sáp nhập, hợp nhất, chia tách, kết thúc hoạt động, đồng thời có trách nhiệm bàn giao các công việc đã và đang triển khai cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mới; cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sáp nhập, hợp nhất, chia tách, tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm triển khai tiếp các công việc còn lại, bảo đảm việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính không làm ảnh hưởng tới việc thực hiện Đề án 213, không làm thất thoát tài sản của Nhà nước.
Tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị của Ban Bí thư, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị này và các văn bản có liên quan về tổ chức và tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; trong đó, tập trung chú trọng công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là người có công với cách mạng, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, đồng bào các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, công nhân, người lao động, người bị mất việc làm,… bảo đảm mọi nhà, mọi người dân đều được vui Xuân, đón Tết.
Tổ chức tốt việc thăm hỏi, chúc Tết cán bộ tiền khởi nghĩa, Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, các đơn vị lực lượng vũ trang, lực lượng thường trực làm nhiệm vụ trong những ngày Tết, nhất là ở hải đảo, vùng khó khăn, địa bàn phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Có kế hoạch cụ thể, bố trí cán bộ, nhân viên trực Tết, kịp thời xử lý, giải quyết hiệu quả mọi công việc, tình huống phát sinh; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo trong dịp nghỉ Tết. Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương khẩn trương tập trung vào công việc, không để chậm trễ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ngay từ tháng đầu năm, nhất là thực hiện đúng tiến độ việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng tốc, bứt phá thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng gắn với các hoạt động vui xuân, đón Tết, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tin tưởng, tự hào trong toàn xã hội. Tích cực tham gia hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát để phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong năm 2025.
Tăng cường quán triệt, chỉ đạo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân trong giải quyết công việc, tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.
Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 13/12/2024 về việc tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự; trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 245/KH-UBND ngày 23/12/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền theo quy định nếu để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách...
Triển khai công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 251/KH-UBND triển khai công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính năm 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Nội dung tuyên truyền, gồm: Tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến xử lý vi phạm hành chính còn thiếu tính khả thi, chưa đảm bảo tính thống nhất; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về xử lý vi phạm hành chính; Công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc quản lý, cung cấp, cập nhật và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh ; Tham vấn UBND các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ngành và tham mưu UBND tỉnh trong công tác thi hành hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì theo dõi, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện hiệu quả nội dung Kế hoạch này; kịp thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch. Theo dõi, tổng hợp, xây dựng dự thảo báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định.
Các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp trong việc triển khai, thực hiện Kế hoạch; xây dựng kế hoạch triển khai công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2025 của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Định kỳ hằng năm tổng hợp, báo cáo tình hình xử phạt vi phạm hành chính và tình hình áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, đảm bảo nội dung, chất lượng, số liệu đầy đủ, chính xác và gửi báo cáo về Sở Tư pháp đảm bảo thời gian quy định.