Truy cập nội dung luôn

Ngân hàng CSXH Quảng Ngãi- 20 năm đồng hành với người nghèo

16/09/2022 16:40    421

Với mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, 20 năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội - Chi nhánh Quảng Ngãi đã triển khai tốt các chính sách tín dụng ưu đãi, giúp nhiều hộ nghèo có thêm vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi đã có bài phỏng vấn ông Trần Duy Cường - Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi.

PV: Quảng Ngãi hiện nay tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn cao so với bình quân cả nước, nhu cầu vay vốn của các đối tượng này vẫn còn rất lớn. Xin Ông cho biết những kết quả đạt được trong huy động các nguồn lực đáp ứng nhu cầu vay vốn trên địa bàn?  

Ông Trần Duy Cường: Sau 20 năm triển khai thực hiện tín dụng chính sách, đến nay tổng nguồn vốn thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 4.387 tỷ đồng, tăng 29,3 lần so với năm 2002, chiếm tỷ trọng 80,6% tổng nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vốn vay cho hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trong tỉnh.

Trong những năm qua, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH và bộ máy điều hành tác nghiệp cùng các tổ chức nhận ủy thác của NHCSXH từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã có nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt để huy động nguồn vốn hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao. Bên cạnh đó, UBND các cấp đã quan tâm dành một phần ngân sách ủy thác cho NHCSXH thực hiện cho vay đối tượng chính sách trên địa bàn. Đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, huyện, thành phố ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động là 291 tỷ đồng, tăng 286 tỷ đồng so năm 2002, chiếm tỷ trọng 6,6%/tổng nguồn vốn.

Ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh quan tâm đến công tác xã hội hóa nguồn vốn tín dụng chính sách, đặc biệt tích cực trong công tác tuyên truyền huy động tiền gửi tiết kiệm từ dân cư, tổng nguồn vốn huy động đạt 559 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,8%/tổng nguồn vốn, trong đó huy động tiền gửi từ chính bản thân người người nghèo và đối tượng chính sách là thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn khoảng 205 tỷ đồng, chiếm 4,7%/tổng nguồn vốn; huy động tiền gửi tiết kiệm trong dân cư khoảng 354 tỷ đồng, chiếm 8,1%/tổng nguồn vốn.

Nhờ vậy, nguồn vốn tín dụng chính sách cơ bản đáp ứng kịp thời cho nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh và phục vụ nhu cầu thiết yếu về đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng vào thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo.

Tổng doanh số cho vay đã thực hiện đạt trên 12.400 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hơn 680.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.377 tỷ đồng, tăng 29,5 lần so với thời điểm nhận bàn giao năm 2002, gần 98.000 hộ còn dư nợ, với 127.537 khoản vay.

P.V: Ông có thể cho biết cụ thể hơn về một số chương trình tín dụng chính sách đạt hiệu quả thời gian qua?

Ông Trần Duy Cường: Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao vào năm 2002 gồm: Cho vay giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ Ngân hàng Công thương và cho vay hộ nghèo từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển sang, với tổng dư nợ 148 tỷ đồng. Sau 20 năm thực hiện tín dụng chính sách, đến nay trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện cho vay 23 chương trình tín dụng.

Một số chương trình tín dụng chính sách có quy mô lớn đạt hiệu quả cao như: Cho vay Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, có hơn 316.000 lượt hộ gia đình đang sử dụng vốn vay để phát triển kinh tế, với dư nợ hơn 7.200 tỷ đồng. Cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, với 34.608 lượt hộ vây vốn, tổng dư nợ 1.267 tỷ đồng, chiếm 10,3%/tổng doanh số cho vay.

Cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, với dư nợ 985 tỷ đồng, giúp cho gần 164 ngàn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập tiếp tục chắp cánh ước mơ đến trường. Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn có dư nợ 1.212 tỷ đồng, với 90.804 lượt hộ vay vốn xây dựng 180 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tạo điều kiện cho người dân ở vùng nông thôn sinh hoạt hợp vệ sinh nâng cao chất lượng cuộc sống

Ngoài ra, còn một số chương trình như: Cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, với 34.608 lượt hộ được vay vốn, tổng dự nợ 1.267 tỷ đồng, chiếm 10,3%/tổng doanh số cho vay; tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, với dư nợ 1.156 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 42.834 lượt hộ vay vốn.

Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách trong 20 năm qua, đã giúp cho trên 185 ngàn hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo. Các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ do Ngân hàng CSXH thực hiện thực sự là kênh quan trọng, là “bà đỡ” giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách đặc biệt là vùng nông thôn, vùng miền núi có điều kiện kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn.

P.V: Nhằm chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH đã triển khai phương thức quản lý tín dụng chính sách như thế nào để phù hợp với thực tiễn và có hiệu quả?

Ông Trần Duy Cường: Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện tiết giảm chi phí quản lý, NHCSXH đã thực hiện phương thức quản lý, cho vay chủ yếu của NHCSXH là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Để các tổ chức nhận ủy thác hoạt động hiệu quả, Ngân hàng CSXH đã hướng dẫn các tổ chức chính trị- xã hội thành lập và chỉ đạo hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, bình xét đối tượng cho vay, hướng dẫn người vay sử dụng vốn, kiểm tra giám sát quá trình sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua các Hội đoàn thể quản lý 4.368 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,8% trên tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách, với 97.793 khách hàng đang vay vốn.

Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức nhận ủy thác đã phối hợp cùng Ngân hàng CSXH Quảng Ngãi thành lập và quản lý 2.601 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại 173 xã, phường, thị trấn, với 97.793 hộ vay, bình quân mỗi xã có gần 15 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động. Đến nay, 100% thôn, xóm trên địa bàn toàn tỉnh đã có tổ tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng CSXH hoạt động nề nếp, ổn định.

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng CSXH Việt Nam về việc xây dựng mạng lưới điểm giao dịch tại xã, Ngân hàng CSXH Quảng Ngãi đã không ngừng xây dựng và củng cố mạng lưới điểm giao dịch tại xã nhằm giúp người nghèo tiếp cận vốn của Ngân hàng CSXH, giảm chi phí đi lại. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh đã có điểm giao dịch xã. Tại các điểm giao dịch, các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước được niêm yết công khai, người vay giao dịch trực tiếp với Ngân hàng CSXH vào ngày cố định hàng tháng để gửi tiền, rút tiền, vay vốn và trả nợ trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương cấp xã, các tổ chức nhận ủy thác và ban quản lý tổ. Nhờ đó đã hạn chế được việc thất thoát, xâm tiêu, tham ô và lợi dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

PV: Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh, nhiệm vụ của Ngân hàng CSXH trong thời gian tới được đặt ra là gì?

Ông Trần Duy Cường: Trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH Quảng Ngãi sẽ tập trung hoàn thành tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội được Chính phủ và Tỉnh giao; phấn đấu đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng thụ hưởng theo quy định có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng CSXH cung cấp; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động nghiệp vụ phù hợp với hoạt động của Ngân hàng CSXH.

Phấn đấu 100% hộ nghèo và các đối tượng thụ hưởng theo quy định có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng CSXH cung cấp

Đồng thời, tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ tín dụng chính sách bình quân hàng năm khoảng từ 8-10%; tỷ lệ nợ quá hạn phấn đấu duy trì dưới 0,1% trên tổng dư nợ. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực, đẩy mạnh công tác huy động nguồn vốn của các tổ chức và cá nhân, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương, hàng năm ủy thác sang Ngân hàng CSXH tối thiểu từ khoảng 70 tỷ đồng trở lên; đồng thời, phấn đấu đẩy mạnh công tác huy động vốn tiền gửi tiết kiệm của tổ chức, cá nhân hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao,…

Để thực hiện đạt hiệu quả các mục tiêu đề ra, Ngân hàng CSXH Quảng Ngãi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và cơ quan liên quan tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nhằm Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, nhất là vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định an ninh chính trị.

Ngoài ra, Ngân hàng CSXH sẽ luôn bám sát mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển kinh tế của địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về các chính sách tín dụng ưu đãi; ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo còn cao, nhất là các huyện miền núi.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tại điểm giao dịch xã; thường xuyên củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, tổ dân phố. Qua đó lồng ghép các chương trình khuyến nông, lâm, ngư nghiệp, để đầu tư nguồn vốn đạt hiệu quả. Ngân hàng CSXH sẽ tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo trong việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi, xét chọn hộ vay đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng,...

PV: Xin cảm ơn ông!

T.D (thực hiện)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này