Truy cập nội dung luôn

Tái cơ cấu ngành Công Thương tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn đến năm 2030

03/01/2024 18:15    586

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành Kế hoạch số 222/KH-UBND Tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030.

Mục đích

Cụ thể hoá các nội dung trong Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 và Chương trình hành động của ngành Công Thương gắn với việc triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 11/5/2021 của Tỉnh ủy về huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển công nghiệp, thương mại được cấp thẩm quyền giao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Ngãi nhanh và bền vững.

Mục tiêu

Tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trên cơ sở phát huy vai trò động lực của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để khai thác hiệu quả các lợi thế so sánh của vùng, của tỉnh trong chuỗi giá trị, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành. Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương cùng một mô hình quản trị nhà nước năng động, hiệu quả, hiện đại và có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững.

 Phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh có công nghiệp theo hướng hiện đại, nhiều sản phẩm công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân từ 8,5-9,5%/năm; Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt trên 45%; Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng với tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên GRDP giảm từ 1-1,2%/năm; Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt bình quân từ 7-8%/năm; nhập khẩu đạt bình quân từ 6-7%/năm; Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt bình quân từ 8-9%/năm.

Nhiệm vụ

 Về tái cơ cấu ngành công nghiệp, kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng của sản phẩm; chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp các bon thấp; từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng vừa và cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực. cơ cấu lại không gian phát triển công nghiệp: Triển khai thực hiện sắp xếp, phân bố không gian phát triển công nghiệp, đảm bảo tính chuyên môn hóa cao, phát huy tốt nhất lợi thế của tỉnh về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực và trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;  Tăng cường các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 Về tái cơ cấu ngành năng lượng, phát triển đa dạng hoá các loại hình năng lượng bảo đảm cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án năng lượng được cấp phép; hình thành và phát triển Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất;

đối với ngành điện, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quy hoạch và kế hoạch, phương án phát triển điện lực. Đối với ngành dầu khí, tập trung phát triển tích hợp lọc dầu với hóa dầu, hóa chất để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm dầu khí, tạo ra các nguyên, nhiên, vật liệu để phục vụ sản xuất công nghiệp trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Về tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu, tập trung ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, có quy mô xuất khẩu và lợi thế cạnh tranh cao gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Tăng cường đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để không phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường, đối tác, ngành hàng và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ các cuộc xung đột thương mại. Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên nhiên phụ liệu phục vụ sản xuất, hạn chế phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào được tạo ra từ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến mà trong nước chưa sản xuất được. Tập trung tạo thuận lợi và cắt giảm chi phí thương mại thông qua phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống hạ tầng phục vụ thương mại, gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, hạ tầng số nhằm tối ưu hóa kết nối sản xuất và thương mại.

Về tái cơ cấu thị trường trong nước, tổ chức kết nối liền mạch thị trường trong tỉnh với thị trường trong nước và thị trường xuất nhập khẩu nhằm phát triển thị trường trong tỉnh nhanh và bền vững, đảm bảo không gian thị trường cho các ngành sản xuất phát triển. Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trong tỉnh đồng bộ, hiện đại phù hợp với điều kiện của tỉnh, vừa đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa, vừa hỗ trợ xuất nhập khẩu.  Tăng cường kết nối hiệu quả giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo ổn định cung cầu, giá cả hàng hoá và nguồn gốc xuất xứ. d) Phát triển thương mại điện tử thành một kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tích cực trong tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản, hàng công nghiệp tiêu dùng. Tăng cường hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế gắn với thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành Công Thương; nâng cao khả năng tham gia của các doanh nghiệp vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Giải pháp chủ yếu

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh trở thành động lực cho thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và số hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của ngành Công Thương

Huy động các nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương

Cải cách tổ chức bộ máy; thực thi chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững

Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý ngành; tăng cường công tác thông tin và chia sẻ thông tin; nâng cao năng lực và nhận thức cho các bên liên quan về tái cơ cấu ngành Công Thương

Tổ chức thực hiện

 Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Kế hoạch, cụ thể là 05 nhóm nhiệm vụ và 05 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm đạt mục tiêu tái cơ cấu đã đề ra.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến đầu tư; phát triển doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến đầu tư, phát triển khu công nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; trong đó, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, ý nghĩa chiến lược, trước mắt là: Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, các dự án Nhà máy điện khí hồn hợp,... Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt
bằng, đảm bảo có mặt bằng để thu hút đầu tư, triển khai thực hiện các dự án đầu tư thuận lợi, đúng tiến độ.

Đầu tư cơ sở hạ tầng thúc đẩy khu kinh tế, khu công nghiệp để hướng đến khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái theo hướng tăng trưởng xanh; xây dựng mới, chuyển đổi dần các khu công nghiệp theo hướng khu công nghiệp sinh thái. Ưu tiên thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực để hướng đến khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái, theo hướng tăng trưởng xanh.

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương xác định danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ để tham mưu UBND tỉnh đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có liên quan đến nội dung tái cơ cấu ngành Công Thương, tạo cơ sở cho đột phá phát triển mới.

 Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tham mưu UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất đối với các dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp và đất dành cho phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ theo quy hoạch.

 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật; phát triển thị trường cho các sản phẩm của ngành nông nghiệp.

 Sở Ngoại vụ tham mưu UBND tỉnh về công tác hội nhập và hợp tác quốc tế; thực hiện hiệu quả công tác ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế giữa tỉnh Quảng Ngãi với các địa phương của các nước đối tác FTA. Kết nối, trao đổi với các cơ quan đại diện ngoại giao, các thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài, các cơ quan, tổ chức quốc tế để tổ chức các hoạt động đối ngoại, quảng bá hình ảnh của tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội tham gia, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu.

Cục Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, các Hiệp hội thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong xử lý các vấn đề mới như kinh doanh trên các nền tảng số, thương mại điện tử… nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thu hút đầu tư xã hội hóa hạ tầng cụm công nghiệp và dự án đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp; ưu tiên thu hút các dự án phù hợp lợi thế địa phương và đúng định hướng không gian phát triển công nghiệp của Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi.

Đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án công nghiệp, thương mại đảm bảo quy định, đúng tiến độ, sớm đi vào hoạt động.

BTV

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này