Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia họp phiên thứ nhất về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Chiều 24-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới 34 tỉnh, thành phố và 3.321 xã, phường, đặc thù trên cả nước. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền; lãnh đạo các sở, ngành, xã, phường, đặc khu tham dự tại các điểm cầu Quảng Ngãi.

Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lại 3 Ban Chỉ đạo (gồm Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn) thành Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia.
.jpg)
Tại phiên họp, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đánh giá toàn diện công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai thời gian qua; nêu rõ kết quả, chỉ ra những hạn chế, tồn tại; vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và mức độ tham gia của chính quyền, ngành chức năng và người dân; rút ra các bài học kinh nghiệm và xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm 2025 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước làm 114 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính trên 550 tỷ đồng.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường và cực đoan của thời tiết, khí hậu, hiện nay, Cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã chủ động xây dựng và điều chỉnh phương án dự báo phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền hai cấp, cập nhật đầy đủ theo các địa danh hành chính mới sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đồng thời, hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai đã được tổ chức theo hướng chi tiết hóa theo từng loại hình thiên tai cụ thể, bảo đảm truyền tải nhanh chóng, chính xác và đầy đủ từ Trung ương đến tận cấp xã - nơi đóng vai trò then chốt trong tổ chức ứng phó bước đầu, nhất là trong bối cảnh thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự báo diễn biến thiên tai năm 2025 là hết sức phức tạp, đặc biệt là những tháng 8, 9, 10 sắp tới và thực tiễn những năm qua cho thấy có nhiều diễn biến thiên tai không theo quy luật.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thay đổi căn bản về tư duy, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, ứng phó phải hiệu quả; lấy con người làm trung tâm, chủ thể, xây dựng xã, phường, đặc khu là pháo đài, lấy quản lý rủi ro thiên tai làm trọng tâm trong mọi quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện về thể chế phù hợp tình hình mới; tạo đột phá về năng lực dự báo, năng lực ứng phó và năng lực khắc phục hậu quả, đặc biệt là đầu tư hạ tầng cần thiết, bảo đảm "4 tại chỗ".
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và các xã, phường, đặc khu phải là một "tư lệnh chỉ huy" về phòng thủ dân sự trên địa bàn; khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cấp tỉnh và chỉ đạo kiện toàn ở cấp xã, đảm bảo một hệ thống chỉ huy thống nhất, thông suốt, hiệu quả; rà soát, cập nhật lại toàn bộ phương án ứng phó; nắm chắc và phát huy thực chất phương châm "4 tại chỗ".
Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND xã, phường, đặc khu xây dựng lực lượng xung kích tại chỗ phù hợp; lập phương án sơ tán đến từng hộ dân; truyền tin cảnh báo sớm nhất, dễ hiểu nhất. "'Tin bão phải đi nhanh hơn gió bão', phải dùng mọi phương tiện như loa truyền thanh, Zalo, gõ kẻng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, thông điệp phải thật ngắn gọn, rõ ràng.