Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến góp ý các văn bản pháp luật về phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực tài chính
Chiều 26-5, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để lấy ý kiến góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, nhằm triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành trung ương và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Ngãi có lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương của tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật lần này là bước đi quan trọng nhằm thực hiện Kết luận số 155-KL/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính từ nay đến ngày 30/6/2025. Trong đó, yêu cầu cốt lõi là rà soát, thực hiện phân cấp, phân quyền giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đảm bảo đồng bộ, tổng thể, liên thông, không bỏ sót hoặc chồng lấn, giao thoa nhiệm vụ.
Bộ Tài chính cho biết, đến thời điểm này, Bộ đã cơ bản thực hiện phân cấp, phân quyền ở tất cả 24 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, với 313 nội dung, nhiệm vụ, thẩm quyền đề xuất phân cấp, phân quyền được quy định tại 75 văn bản quy phạm pháp luật: gồm 16 Luật; 01 Pháp lệnh; 09 Nghị quyết của Quốc hội; 36 Nghị định; 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 12 Thông tư của Bộ trưởng. Trong đó, đã thực hiện 58 nội dung liên quan đến các lĩnh vực: quy hoạch; đầu tư; quản lý sử dụng tài sản công; đấu thầu; ngân sách nhà nước; chứng khoán; dự trữ quốc gia; quản lý doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hộ kinh doanh. Còn lại 255 nội dung nhiệm vụ, thẩm quyền đề xuất phân cấp, phân quyền.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã góp ý vào 5 dự thảo nghị định và 7 dự thảo thông tư, tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu như: quản lý tài sản công, dự trữ quốc gia, thống kê, thuế và lệ phí. Mục tiêu là tạo hành lang pháp lý rõ ràng để phân cấp, phân quyền phù hợp năng lực từng cấp chính quyền, đồng thời bảo đảm tính khả thi trong triển khai.
Bên cạnh đó, các dự thảo thông tư lấy ý kiến còn liên quan đến thuế sử dụng đất nông nghiệp, kế toán- kiểm toán, quản lý ngân sách, chế độ báo cáo giải ngân vốn đầu tư công và tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức tài chính.
Bộ Tài chính ghi nhận và sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp tại hội nghị, cả trực tiếp và bằng văn bản, để hoàn thiện dự thảo theo hướng sát thực tiễn và dễ áp dụng, góp phần nâng cao hiệu quả phân cấp, phân quyền.