Triển khai hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” năm 2025
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND triển khai hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” năm 2025.
Mục đích nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, qua đó huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, tăng cường công tác nắm tình hình, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người, nhất là tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi; làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, người nghi là nạn nhân.
Triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với thông lệ quốc tế và chủ đề của năm 2025 là: “Mua bán người là tội phạm có tổ chức - Hãy chấm dứt sự bóc lột”.
UBND tỉnh giao Công an tỉnh triển khai hiệu quả các kế hoạch, phương án phòng, chống mua bán người. Chủ động nắm chắc tình hình, dự báo sát, giải quyết tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Khẩn trương điều tra, khám phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người và các tội phạm có liên quan. Mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người. Thời gian thực hiện từ nay đến ngày 30/9/2025. Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” năm 2025.
Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an cấp xã, Đồn Công an Lý Sơn tham mưu cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người, nhất là tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội. Tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người; tăng cường công tác quản lý cư trú, làm tốt công tác quản lý xuất, nhập cảnh của công dân, quản lý người nước ngoài, đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ mua bán người, các đường dây tội phạm mua bán người, đưa người ra nước ngoài trái phép hoặc làm việc trái phép ở nước ngoài và tội phạm khác có liên quan.
Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng – Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người; đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương các cấp trên khu vực biên giới, cửa khẩu, biển, đảo của tỉnh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật, hành động về phòng, chống mua bán người cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”.
Tăng cường công tác nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh trên khu vực biên giới, cửa khẩu, biển, đảo của tỉnh và các khu vực thuộc trách nhiệm quản lý; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tội phạm mua bán người và tiến hành các biện pháp điều tra theo quy định của pháp luật. Thực hiện tốt nội dung các Hiệp định, thỏa thuận hợp tác về phòng, chống mua bán người. Phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xác định, tiếp nhận, giải cứu nạn nhân, các trường hợp nghi vấn là nạn nhân bị mua bán để kịp thời hỗ trợ, bảo vệ theo quy định.
Sở Y tế thực hiện tốt công tác hỗ trợ nạn nhân; chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân tại các Cơ sở trợ giúp xã hội, Cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Thực hiện công tác tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác về mua bán người tới Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, đồng thời là đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người (Tổng đài 111).
Sở Nội vụ tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với các hoạt động giới thiệu việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam… xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm. Đa dạng các hình thức phổ biến thông tin về việc làm hợp pháp, an toàn ở nước ngoài và danh sách các tổ chức, doanh nghiệp được phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ văn hóa, thể thao, các cơ sở lưu trú, các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện... nhằm chủ động phát hiện, phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người. Tổ chức lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống mua bán người trong các hoạt động du lịch, thể thao, văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật. Chỉ đạo định hướng đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống mua bán người trên phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội và hệ thống thông tin cơ sở.
Sở Khoa học và Công nghệ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động trên địa bàn tỉnh nhắn tin hưởng ứng tuyên truyền “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”, với thông điệp: “Toàn dân tích cực tham gia phòng, chống mua bán người. Khi phát hiện dấu hiệu liên quan đến mua bán người hãy thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc Tổng đài quốc gia 111 để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời”. Thời gian tuyên truyền vào ngày 30/7/2025. Tiêu đề tin nhắn: “UBND TỈNH QUẢNG NGÃI”
Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người lồng ghép trong các hoạt động học tập ngoại khóa, phù hợp với yêu cầu của từng cấp học, ngành học, lứa tuổi, vùng miền và đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp cho học sinh ở các cấp học. Thực hiện công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn du học, đưa người đi học tập ở nước ngoài, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm.
Sở Tư pháp tăng cường kiểm tra công tác đăng ký, quản lý hộ tịch (kết hôn, nhận cha mẹ con, nuôi con nuôi) nhằm phòng, chống việc lợi dụng hoạt động này để mua bán người. Thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý cho nạn nhân, người đang được xác định là nạn nhân, người dưới 18 tuổi đi cùng theo đúng quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tăng cường các nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống mua bán người trong lĩnh vực đánh bắt, khai thác thủy sản.
Sở Dân tộc và Tôn giáo đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là khu vực biên giới.
Sở Xây dựng tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người gắn với công tác quản lý Nhà nước các lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải trong phạm vi tỉnh; trong đó, tập trung tuyên truyền tại nơi có đông người qua lại như bến xe, nhà ga…
Sở Ngoại vụ theo dõi, nắm tình hình công dân trên địa bàn tỉnh ở nước ngoài, kịp thời cung cấp thông tin liên quan cho các cơ quan chức năng liên quan; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài và các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam trong việc phối hợp điều tra, phát hiện giải cứu, xác minh; đề nghị chính quyền nước sở tại quan tâm, hỗ trợ nạn nhân là công dân Việt Nam bị mua bán ra nước ngoài trước khi nạn nhân được giải cứu và hỗ trợ các cơ quan chức năng liên quan làm các thủ tục cần thiết để hồi hương nạn nhân bị mua bán về nước.
Phối hợp với Công an tỉnh, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng – Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ban ngành, hội, đoàn thể tỉnh liên quan làm tốt công tác truyền thông, thông tin đối ngoại về chủ trương, chính sách và những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”.
Báo Quảng Ngãi tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động, tính chất bóc lột của tội phạm mua bán người; chính sách, pháp luật và kết quả đấu tranh phòng, chống mua bán người của các lực lượng chức năng nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của Nhân dân trong phòng, chống mua bán người; tuyên truyền về những tấm gương điển hình, gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống mua bán người.
Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác truy tố, xét xử tội phạm mua bán người và tội phạm có liên quan, đảm bảo kịp thời, nghiêm minh; phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người. Chủ động phối hợp tổ chức các phiên tòa lưu động, phiên tòa giả định xét xử các hành vi phạm tội mua bán người để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa trong cộng đồng.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên tuyên truyền vận động rộng rãi, đa dạng hình thức trong Nhân dân, cán bộ, hội viên, đoàn viên, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo tích cực tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người.
UBND các xã, phường, đặc khu Lý Sơn tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”. Chỉ đạo thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, gắn với chủ đề của “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” năm 2025 là “Mua bán người là tội phạm có tổ chức - Hãy chấm dứt sự bóc lột”. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra lĩnh vực, cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tội phạm mua bán người; làm tốt công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Triển khai thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người.