CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Tỉnh Quảng Ngãi

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 họp phiên thứ nhất

Sáng 18-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Quang cảnh đầu cầu Trung ương

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh chủ trì tại điểm cầu Quảng Ngãi; cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang chủ trì điểm cầu Quảng Ngãi

Tại Phiên họp, l Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 (Ban Chỉ đạo).

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia tại Nghị quyết số 57/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 22/12/2024 và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ ngày 09/01/2025 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57/NQ-TW. 

Theo đó, Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133. Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2024 tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194.

Thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ (năm 2024 đạt 28 tỷ USD, tăng 36%). Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp (tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 57%). Công nghiệp ICT có bước phát triển khá (doanh thu năm 2024 đạt 152 tỷ USD, tăng 10,9%). Công nghiệp bán dẫn có doanh thu 18,7 tỷ USD với 50 doanh nghiệp thiết kế vi mạch và 6 nghìn kỹ sư thiết kế. Doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng mạnh (năm 2024 đạt 18 tỷ USD, tăng 38,5%). Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.  

Quang cảnh điểm cầu Quảng Ngãi

Về các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương: Ban hành bộ chỉ số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành, địa phương trên môi trường điện tử, thời hạn hoàn thành 5/2025.

Chuyển đổi số hoạt động chỉ đạo điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Chuyển đổi toàn bộ các hoạt động quản lý nội bộ như: quản lý tài chính, quản lý nhân sự, quản lý điều hành trên môi trường điện tử bằng các hệ thống công nghệ thông tin, thời hạn hoàn thành 4/2025.

Theo dõi nhiệm vụ nội bộ các cơ quan trên môi trường điện tử, tích hợp với hệ thống theo dõi nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, thời hạn hoàn thành 4/2025. 100% lãnh đạo các cấp sử dụng hệ thống công nghệ thông tin, chữ ký số để phê duyệt văn bản, hồ sơ điện tử, thời hạn hoàn thành tháng 6/2025.

100% Lãnh đạo các cấp sử dụng hệ thống thông tin để theo dõi nhiệm vụ, quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu, thời hạn hoàn thành tháng 6/2025. Thực hiện xử lý văn bản, hồ sơ công việc toàn trình giữa các cấp hành chính; thời hạn hoàn thành tháng 6/2025.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long

Về triển khai Đề án 06 và tiến độ triển khai Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, các bộ, ngành đã hoàn thành tích hợp 58/76 thủ tục hành chính (TTHC) thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, Bộ Công an đã chủ động rà soát, đánh giá 495 TTHC của các bộ, ngành, cụ thể 324 TTHC có thể cắt, giảm (có thành phần hồ sơ là thông tin đã được tích hợp trên tài khoản VNeID), 200 TTHC có thể khai thác dữ liệu hộ tịch, dữ liệu đất đai đã số hóa để cắt, giảm thành phần hồ sơ.

Đến nay đã có 142 cơ sở khám, chữa bệnh tại 29 địa phương sử dụng Bệnh án điện tử. 98% dữ liệu hộ tịch đã được số hóa, 99% dữ liệu cán bộ công chức, viên chức được làm sạch với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; dữ liệu về thuế, bảo hiểm, đất đai... cũng đang được khẩn trương đẩy mạnh số hóa, làm sạch.

Về tiến độ triển khai Trung tâm dữ liệu quốc gia, hiện nay, Bộ Công an đang tập trung xây dựng hạ tầng nhà trạm, hệ thống công nghệ thông tin, đưa trung tâm dữ liệu quốc gia đi vào vận hành từ tháng 8/2025; đồng thời nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công quốc gia tại Trung tâm dữ liệu quốc gia theo hướng tập trung dữ liệu tại kho dữ liệu tổng hợp tại Trung tâm dữ liệu quốc gia để khai thác phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công tập trung cho người dân.

Trong tháng 8/2025 sẽ đưa Trung tâm dữ liệu quốc gia vào hoạt động và bảo đảm hạ tầng cho việc kết nối, khai thác 114 cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Bộ Công an đề nghị các bộ ngành chủ quản hoàn thành cơ sở dữ liệu về đất đai, xây dựng, bảo hiểm, tài chính, doanh nghiệp, lao động, việc làm, y tế, giáo dục… để kết nối xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, các bộ ngành, UBND các tỉnh căn cứ vào mô hình tổ chức, bộ máy mới để tái cấu trúc quy trình, số hóa quy trình nghiệp vụ, hồ sơ tài liệu, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà 

Về công tác cải cách hành chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hiện nay chúng ta chỉ còn 17 bộ và cơ quan ngang bộ, đã giảm được 5 bộ và 3 cơ quan thuộc Chính phủ. Đồng thời, tổ chức bên trong của các bộ và cơ quan ngang bộ đã được tinh gọn đáng kể. Cụ thể, đã giảm 13/13 tổng cục và tương đương, đạt tỷ lệ 100%; giảm 519 cục và tổ chức tương đương (giảm khoảng 77,6%); giảm 219 vụ và tương đương (giảm 54,1%); giảm 3.303 chi cục và tương đương (giảm khoảng 91,7%).

Về chuyển đổi số và xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, thời gian vừa qua, vấn đề này được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, chúng ta đã tạo được nền tảng cơ bản để thúc đẩy chính phủ điện tử, chính phủ số, cũng như xã hội số, công dân số và kinh tế số.

Về nhiệm vụ năm 2025, đối với nhiệm vụ cải cách hành chính, cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ và hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể, thiết thực để đẩy mạnh nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2025 nhằm hoàn thành và vượt các chỉ tiêu của giai đoạn 2021-2025 trong Chương trình cải cách tổng thể hướng tới năm 2030.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng và trình ban hành Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược, bao gồm phát triển hệ thống các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, tập trung cho công nghệ chiến lược.

Xây dựng Đề án hình thành các doanh nghiệp công nghệ chiến lược quy mô lớn trong nước để phát triển hạ tầng số, nhân lực số, dữ liệu số, công nghệ chiến lược, an toàn an ninh mạng. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược. Xây dựng Chương trình phát triển Chính phủ số và triển khai Chính phủ không giấy tờ và thực hiện chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử dựa trên dữ liệu. Đưa Trung tâm dữ liệu quốc gia đi vào hoạt động trong năm 2025.

Về cải cách hành chính, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cung cấp, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, gắn với sắp xếp đơn vị hành chính, không để ách tắc công việc. Đẩy mạnh cắt giảm và xóa bỏ TTHC; chuyển trạng thái "xin" cung cấp dịch vụ công sang trạng thái "chủ động" cung cấp dịch vụ công cho người dân. Trong năm 2025, 100% các sân bay, bến cảng, cửa khẩu ứng dụng công nghệ sinh trắc, nền tảng VNeID.

Để đẩy mạnh triển khai Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bám sát Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Kế hoạch triển khai, có giải pháp cụ thể, lộ trình chi tiết, đảm bảo "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả", gắn trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân cụ thể. Các bộ, ngành thực hiện cắt giảm thành phần hồ sơ đối với 324 TTHC có thông tin giấy đã được tích hợp trên tài khoản định danh điện tử; hoàn thành trong quý II/2025. 

Các địa phương khẩn trương hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch, dữ liệu đất đai, chủ động nghiên cứu phương án tái sử dụng dữ liệu đã số hóa để thực hiện đơn giản hóa đối với 200 TTHC theo thẩm quyền.


Tác giả: PV