Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum tổ chức Hội nghị định kỳ lần 2
Chiều 11-5, tại thành phố Quảng Ngãi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Tham dự buổi làm việc, về phía Tỉnh ủy Quảng Ngãi có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đặng Ngọc Huy; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang; Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thị Hồng Minh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh.
Về phía Tỉnh ủy Kon Tum có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh U Huấn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Tuy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum đã thảo luận cho ý kiến về Phương án tổng thể sắp xếp cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý tại cấp xã theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; cho ý kiến về số lượng đại biểu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (mới) nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh cũng cho ý kiến về phương án sắp xếp, bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, người lao động sau khi sắp xếp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum, với mục tiêu đảm bảo chỗ ở ổn định, thuận tiện công tác cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng có sẵn, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không làm phát sinh chi phí lớn, tránh lãng phí ngân sách nhà nước.
Thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (mới) nhiệm kỳ 2025 – 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (mới), đồng thời xác định văn kiện đại hội phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm và dễ kiểm tra. Báo cáo chính trị phải đánh giá trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; đồng thời, tiếp thu những quan điểm chỉ đạo, chủ trương, định hướng lớn trong các dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng để xác định rõ phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới sát với tình hình, bối cảnh, yêu cầu mới và có tính khoa học, khả thi cao.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang cho rằng, trong nhiệm kỳ tới, sau khi hợp nhất với tỉnh Kon Tum, tỉnh Quảng Ngãi (mới) có lợi thế rất lớn. Vì vậy, cần đặt sự phát triển với mục tiêu phấn đấu, quyết tâm đuổi kịp với các tỉnh lân cận trong khu vực. Quảng Ngãi có Khu Kinh tế Dung Quất đang phát triển, xem đây là thế mạnh của tỉnh. Tăng tỷ lệ lấp đầy, mở rộng diện tích và thể hiện đúng nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới là phát triển công nghiệp.
Đối với phát triển đô thị dịch vụ, cần tập trung phát triển dọc theo 02 bờ sông Trà Khúc và bãi biển Mỹ Khê. Về khu vực miền núi, tỉnh Quảng Ngãi (mới) chú trọng phát triển nông nghiệp với cây công nghiệp dài ngày và chế biến nông sản. Sau khi hợp nhất, Quảng Ngãi sẽ có thế mạnh rất lớn về phát triển dược liệu đặc hữu là sâm Ngọc Linh, cần đầu tư mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh lên 6.000 ha; đưa vào giải pháp nhiệm kỳ tới kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu để nâng cao giá trị của loài cây trồng này, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững khu vực miền núi.
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum cũng cho rằng, tỉnh Quảng Ngãi (mới) có 01 cửa khẩu quốc tế Bờ Y, lưu thông hàng hóa, nông sản từ bên Lào, do vậy trong dự thảo Văn kiện cần tính toán đến lợi thế này. Trong nhiệm vụ, giải pháp cũng cần tập trung phát huy tiềm năng rất lớn về du lịch biển đảo và sinh thái.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển khá của cả nước, nên khi xây dựng dự thảo báo cáo chính trị, Quảng Ngãi đã tham khảo các địa phương trong cả nước. Với định hướng mở rộng và xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất theo Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Sự phát triển công nghiệp với sự đầu tư của các doanh nghiệp FDI, việc hình thành, mở rộng, phát triển Nhà máy thép của Tập đoàn Hòa Phát tại KKT Dung Quất. Quảng Ngãi đã có nền tảng công nghiệp và định hướng phát triển công nghiệp để phát triển thành tỉnh khá. Tỉnh Quảng Ngãi mới cũng có nhiều cơ hội phát triển dịch vụ, du lịch khi giáp ranh các nước và phát triển theo trục hành lang kinh tế Đông Tây.
Sau khi sáp nhập, Quảng Ngãi lại có thêm nhiều lợi thế khác. Trong đó, Măng Đen đã có nhà đầu tư chiến lược, có đầy đủ sản phẩm du lịch; có cửa khẩu quốc tế; có đầy đủ điều kiện giữ cơ cấu kinh tế tăng trưởng và đưa du lịch thành điểm sáng, đuổi kịp các tỉnh đã phát triển trước chúng ta.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân yêu cầu Tổ công tác, Tổ biên tập Văn kiện tiếp thu các ý kiến về phát huy lợi thế, tiềm năng của tỉnh Quảng Ngãi (mới) trong định hướng phát triển giai đoạn 2025-2030 và những nhiệm kỳ tiếp theo. Tỉnh sẽ có chương trình hành động và cụ thể hóa bằng những nghị quyết chuyên đề để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.