Đoàn công tác của tỉnh Quảng Ngãi học tập kinh nghiệm về phát triển cây ăn quả trên đồi dốc tại tỉnh Sơn La
Ngày 03-4, Đoàn công tác của tỉnh Quảng Ngãi do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Sơn La để trao đổi kinh nghiệm về các mô hình quản lý đất đai, chuyển đổi cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển vùng cây ăn quả trên đất đồi dốc tại tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Đặng Ngọc Hậu chủ trì tiếp và làm việc với Đoàn.

Những năm qua, tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển cây ăn quả là cây trồng chủ lực của địa phương và trở thành một trong những trung tâm sản xuất cây ăn quả, chế biến và xuất khẩu nông sản lớn của khu vực miền núi phía Bắc.
Cây Sơn Tra được xác định là loài cây đa tác dụng, được trồng rừng kết hợp cho thu hoạch quả đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương được chú trọng phát triển, chăm sóc và bảo vệ với 4.009 ha.
Tỉnh Sơn La đang duy trì 213 mã số vùng trồng, với tổng diện tích trên 3.100 ha. Toàn tỉnh có 31 sản phẩm nông sản mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ. Sơn La cũng đã thực hiện quy hoạch vùng trồng tập trung theo định hướng thị trường, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng. Đến nay, đã hình thành được một số vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, có giá trị hàng hóa lớn, như: nhãn (Sông Mã); xoài (Yên Châu), mận hậu (Mộc Châu, Yên Châu), na (Mai Sơn),…
Toàn tỉnh Sơn La có 09 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận; có 560 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản (trong đó có 17 nhà máy, 543 cơ sở); năm 2024, giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu ước đạt 190 triệu USD.
.jpg)
Tại buổi làm việc, Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành tỉnh Sơn La đã thông tin, chia sẻ những mô hình, kinh nghiệm thực tiễn trong việc phát triển cây ăn quả. Những yếu tố quan trọng để phát triển cây ăn quả của Sơn La, như: ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả bám sát thực tiễn sản xuất, phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh; lựa chọn và phát triển các loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tiểu vùng khí hậu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào lai tạo, ghép cải tiến giống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh; định hướng phát triển vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; xác định đất sản xuất nông nghiệp là tư liệu sản xuất quan trọng, có giá trị gia tăng lâu dài; thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; phát triển cây ăn quả phải gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái; tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền và doanh nghiệp của tỉnh.
.jpg)
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền trân trọng cảm ơn Lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La và các sở, ngành, đơn vị đã hỗ trợ, chia sẻ những kinh nghiệm và một số mô hình phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch cho rằng, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên cho việc phát triển cây ăn quả và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn quả vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Vì vậy, những kết quả nổi bật trong phát triển cây ăn quả của tỉnh Sơn La là động lực, là kinh nghiệm quý để tỉnh Quảng Ngãi tham khảo, nghiên cứu, học tập áp dụng trong thời gian tới phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh, nhằm đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, nhất các các địa phương miền núi của tỉnh.
Cũng trong ngày, Đoàn công tác của tỉnh đã thị sát, tìm hiểu một số mô hình và các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, có giá trị hàng hóa lớn của tỉnh Sơn La.