Phát triển vùng cây ăn quả tại một số địa phương có điều kiện
Sáng 13-5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương triển khai kết quả học tập mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển vùng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.000 ha trồng cây ăn quả. Trong đó, huyện Nghĩa Hành là địa phương có diện tích trồng nhiều nhất; và huyện đã xây dựng “Thương hiệu trái cây Nghĩa Hành” sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và đã được công nhận thương hiệu sản phẩm OCOP trái cây Nghĩa Hành như: Bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, chuối ngự Hành Tín Đông.
Những năm qua, tỉnh đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên cho việc phát triển cây ăn quả và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên việc phát triển cây ăn quả gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng.

Để phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, nhất là ở những địa phương có điều kiện, tỉnh đã tổ chức nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh, thành phố, gần đây nhất là học tập kinh nghiệm về mô hình chuyển đổi cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển vùng cây ăn quả trên đất đồi dốc tại tỉnh Sơn La đầu tháng 03/2025 vừa qua.
Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển cây ăn quả của Sơn La là ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả để tạo động lực; xây dựng chiến lược và quy hoạch bài bản cho từng vùng sản xuất, dựa trên điều kiện tự nhiên, lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; Các hợp tác xã và tổ hợp tác đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp, hỗ trợ nông dân tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp; xây dựng được mối liên kết chặt chẽ và hiệu quả giữa bốn nhà: Nhà nước – Nhà khoa học – Doanh nghiệp – Nông dân; chuyển đổi tư duy: Nông nghiệp là ngành kinh tế hiện đại tích hợp công nghệ, quản trị, truyền thông và logistics.
.jpg)
Từ thành công và bài học kinh nghiệm phát triển cây ăn quả trên đồi dốc của tỉnh Sơn La, tại buổi làm việc, Sở Nông nghiệp và Môi trường, các địa phương đã trao đổi, thảo luận và đề xuất một số nội dung mà tỉnh có thể áp dụng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện như Nghĩa Hành, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long,…

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức học tập kinh nghiệm tại nhiều tỉnh, thành phố của cả nước trên nhiều lĩnh vực để về áp dụng phù họp với tình hình thực tế của tỉnh. Ghi nhận kết quả áp dụng có nhiều chuyển biến rất tích cực và hiệu quả như trong công tác chuyển đổi số, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản,…Vì vậy, thông qua học tập kinh nghiệm phát triển cây ăn quả của tỉnh Sơn La yêu cầu ngành Nông nghiệp cũng phải sớm có kết quả áp dụng, đảm bảo hiệu quả để phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp và Môi trường phải thay đổi tư duy trong công tác quản lý và phát triển kinh tế nông nghiệp; chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, liên doanh, liên kết; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, nghiên cứu tổ chức triển khai thực hiện phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung tại một số địa phương có điều kiện, với yêu cầu sớm có sản phẩm cụ thể. Trong đó, lưu ý trước khi tổ chức thực hiện, phải lắng nghe những kinh nghiệm thực tiễn sản xuất từ người dân và chính quyền địa phương để tổ chức sản xuất cho hiệu quả; ưu tiên triển khai ở những nơi đã có Hợp tác xã, tổ hợp tác để hỗ trợ nông dân tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời xác định rõ: vùng phát triển, loại cây ăn quả, khoa học kỹ thuật, kinh phí.