Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2025
Sáng 21-01, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (Ban Đại diện) chủ trì cuộc họp Ban Đại diện để tổng kết hoạt động năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên chủ trì cuộc họp
Báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NH CSXH) cho biết, trong năm 2024, Ban Đại diện NH CSXH các cấp đã tổ chức 56 phiên họp thường kỳ; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức triển khai kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, cũng như thực hiện phân giao và điều chỉnh kịp thời các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao.
Tính đến 31/12/2024, tổng nguồn vốn tín dụng đạt hơn 5.723 tỷ đồng, tăng 506 tỷ đồng so với năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng 9,7%; doanh số cho vay hơn 1.873 tỷ đồng. Doanh thu nợ đạt hơn 1.368 tỷ đồng. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh hơn 9,1 tỷ đồng, chiếm 0,16% tổng dư nợ.
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 38.600 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với vốn vay, tập trung chủ yếu các chương trình hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn,… Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương trong toàn tỉnh.
Trong năm đã thực hiện tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, qua đó đánh giá toàn diện tác động của Chỉ thị đối với tín dụng chính sách trong thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia và đảm bảo an sinh xã hội.
Các thành viên Ban Đại diện Hội đồng quản trị NH CSXH tỉnh thảo luận về nhiệm các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Năm 2025, NH CSXH tiếp tục tập trung nguồn lực, xây dựng các giải pháp, rà soát nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng, kịp thời đề nghị các cấp có thẩm quyền chuyển vốn cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội đoàn thể nhận ủy thác thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng; đẩy mạnh thông tin và truyền thông, thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên phát biểu kết luận cuộc họp
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị NH CSXH ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao kết quả Ban Đại diện NH CSXH các cấp đã đạt được trong năm qua, đồng thời đề nghị, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục nỗ lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, nhất là lan tỏa được chương trình tín dụng chính sách xã hội, bên cạnh mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế còn là củng cố hệ thống chính trị; tạo môi trường đoàn kết, gắn bó với nhau trong cộng đồng.
Quang cảnh cuộc họp
Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, cấp huyện tập trung triển khai quyết liệt để thực hiện tốt Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, nhằm tiếp tục tăng cường nguồn lực và huy động cả hệ thống chính trị tích cực vào cuộc đối với hoạt động tín dụng chính sách. Tích cực tham mưu UBND cùng cấp thực hiện việc trích, chuyển nguồn ngân sách ủy thác NH CSXH để triển khai cho vay kịp thời trong quý I/2025. Tích cực tranh thủ nguồn vốn Trung ương, địa phương và làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn để tập trung tối đa nguồn lực đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, phấn đấu cơ bản hoàn thành mục tiêu tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách.
Bên cạnh đó, NH CSXH cần phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, UBND cấp xã và các tổ chức hội nhận ủy thác tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, nhất là tại các địa bàn khó khăn, phức tạp, tiềm ẩn rủi ro; không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; duy trì tốt hoạt động giao dịch tại xã; tích cực xử lý, thu hồi nợ xấu và đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng chính sách.