Truy cập nội dung luôn

Một số nột dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 15-21/01/2024.

22/01/2024 13:43    178

Triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn vụ năm 2024; Tổ chức “Tết trồng cây” và tăng cường công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, ngay từ đầu năm 2024; Phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2024; Kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2024; Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi… là một số nột dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 15-21/01/2024.

Triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn vụ năm 2024

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Công văn số 250/UBND-KTN chỉ đạo về triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn vụ năm 2024

Để bảo đảm nguồn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp trong năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình nguồn nước; chỉ đạo, hướng dẫn (hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo) các địa phương, đơn vị chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm nước để phục vụ dân sinh và sản xuất năm 2024.

Trên cơ sở Phương án phòng, chống hạn của các địa phương, đơn vị; tổng hợp, ban hành Phương án chống hạn và xâm nhập mặn tổng thể cho năm 2024 trên địa bàn tỉnh, hoàn thành trước ngày 10/3/2024. Đồng thời, tổng hợp, báo cáo tình hình nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và đề xuất kịp thời UBND tỉnh các biện pháp chống hạn cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại từng thời điểm xảy ra hạn hán và kinh phí thực hiện phòng, chống hạn, xâm nhập mặn.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố xây dựng, phê duyệt Phương án phòng, chống hạn và xâm nhập mặn năm 2024 và gửi Phương án về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 01/3/2024 để tổng hợp, theo dõi; chủ động triển khai Phương án phòng, chống hạn và xâm nhập mặn theo thẩm quyền; trình cấp thẩm quyền xem xét, hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn khi nhu cầu kinh phí vượt quá khả năng cân đối của địa phương.

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các Tổ chức thủy lợi cơ sở thường xuyên thực hiện nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, sửa chữa cửa cống lấy nước bị rò rỉ, thất thoát nước; đắp đập tạm ngăn mặn, đào ao, khoan giếng để bơm nước phục vụ sinh hoạt và chống hạn cho cây trồng khi bị hạn hán.

Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Quảng Ngãi triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên. Triển khai thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước; trong đó, phải kiểm tra, sửa chữa các cửa cống lấy nước bị rò rỉ, thất thoát nước, nạo vét kênh mương; vận hành các cống lấy nước đúng yêu cầu dùng nước; tiếp tục thực hiện biện pháp tưới luân phiên trên hệ thống thủy lợi Thạch Nham để đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất, dân sinh và phòng chống hạn; ưu tiên cấp nước cho các khu công nghiệp, cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi.

Chịu trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Công ty Cổ phần Thủy điện Đakđrinh trong việc vận hành điều tiết liên hồ chứa đảm bảo cấp nước phục vụ dân sinh, sản xuất, môi trường và tuân thủ Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Giao thông tỉnh chỉ đạo các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi do Ban làm chủ đầu tư để kịp thời đưa vào sử dụng, tải nước phục vụ dân sinh và sản xuất.

Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, hướng dẫn Công ty Cổ phần Thủy điện Đakđrinh, Công ty Cổ phần Thủy điện Nước Trong vận hành điều tiết hồ chứa đảm bảo tuân thủ Quy trình vận hành liên hồ chứa, bổ sung nguồn nước cho đập dâng Thạch Nham hiệu quả, tiết kiệm; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc.

Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Quảng Ngãi tăng cường dự báo khí tượng, thuỷ văn, dòng chảy trên các sông suối, nhận định tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời cho UBND tỉnh và các cơ quan liên quan.

Tổ chức “Tết trồng cây” và tăng cường công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, ngay từ đầu năm 2024

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản số 339/UBND-KTN chỉ đạo về tổ chức “Tết trồng cây” và tăng cường công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học ngay từ đầu năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ban, ngành và địa phương quán triệt “Bảo vệ, phát triển rừng vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội” theo tinh thần Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư và chỉ đạo của Tỉnh; chủ động phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp xuân Giáp Thìn năm 2024.

Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng đảm bảo hiệu quả. Giám sát chặt chẽ việc thực hiện các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo đúng quy định, không để xảy ra sai phạm.

Chủ động kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Bổ sung nguồn lực, đảm bảo chế độ chính sách, động viên kịp thời, tạo điều kiện cần thiết cho lực lượng Kiểm lâm, bảo vệ rừng chuyên trách góp phần ổn định cuộc sống, an tâm, nhiệt huyết trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác gỗ tại các khu vực, địa bàn trọng điểm, vùng giáp ranh. Rà soát, xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng để ký kết và tổ chức thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp giữa các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội và các lực lượng khác trong công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản và PCCCR.

Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường công tác phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phối hợp với lực lượng Kiểm lâm và chính quyền địa phương đấu tranh, ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ gỗ, động vật rừng, các loại lâm sản trái pháp luật và xử lý nghiêm theo quy định. Đối với các vụ phá rừng, cháy rừng xảy ra gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng, cần chủ động lập án điều tra, để kịp thời xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật nhằm giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; hoàn thành công bố hiện trạng rừng trên địa bàn trước ngày 31/01/2024; tổ chức quản lý chặt chẽ giống cây trồng lâm nghiệp; xây dựng phong trào quần chúng tham gia bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR. Tổ chức đồng loạt ra quân, mở đợt cao điểm tuần tra kiểm soát lâm sản.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của UBND cấp xã và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân về các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp, nhất là sử dụng lửa phục vụ canh tác nương rẫy và vệ sinh rừng sau khai thác. Thiết lập và duy trì có hiệu quả các đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm và thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp, pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại lâm sản.

Phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2024

 UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024, với chủ đề: "Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX".

Nội dung phong trào thi đua gồm: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương và Tỉnh  chỉ đạo về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và Kế hoạch 5 năm (2021-2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX,...

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả 04 nhiệm vụ trọng tâm và 03 nhiệm vụ đột phá theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Nâng cao năng lực nội tại, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội; tích cực xử lý những vấn đề tồn đọng để khơi thông nguồn lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Tăng cường chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả nhằm nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh của nền kinh tế của tỉnh. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường,...

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư phát triển y tế kỹ thuật cao, dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Thực hiện tốt các chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, nhất là ở các huyện miền núi. Tổ chức thực hiện tốt 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ; chú trọng hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đổi mới công tác truyền thông theo hướng đa dạng hóa nền tảng truyền thông, nhất là nền tảng số để đưa thông tin của các cấp chính quyền đến được với người dân, góp phần nâng cao các chỉ số của tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ; đẩy nhanh công tác phê duyệt vị trí việc làm. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường công tác cải cách hành chính, nâng cao thứ hạng các chỉ số cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phòng cháy chữa cháy. Thi đua xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh; tăng cường công tác dân vận; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phối hợp tổ chức thực hiện và tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân đoàn kết, tin tưởng và tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh.

 Tiếp tục thực hiện Kế hoạch tuyên truyền gương điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; nâng cao chất lượng giới thiệu, tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình thông qua chuyên mục “Mỗi người một việc tốt” trên Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Ngãi, chuyên mục “Nét đẹp đời thường”, chuyên mục Xây dựng Đảng, chính trị với “Người bình dị mà cao quý” trên Báo Quảng Ngãi và trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo sức lan tỏa trong phong trào thi đua.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp bám sát kế hoạch này và nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình để xây dựng kế hoạch, phát động thi đua thiết thực, phù hợp điều kiện thực tế và triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. Hướng phong trào thi đua vào thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề cấp bách, phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024, góp phần thực hiện hoàn thành 04 nhiệm vụ trọng tâm và 03 nhiệm vụ đột phá của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025,...

Kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2024

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 04/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nhất là các huyện miền núi; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Phấn đấu đạt chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 để góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021-2025.

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 1,58 - 1,60%, riêng tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi giảm 6 - 7 % theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025;

Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 20 mô hình giảm nghèo, xây dựng và phê duyệt trên 200 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo;

 Phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập;

 Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững;

 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về các nội dung triển khai công tác giảm nghèo năm 2024.

 Các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, chiều thiếu hụt về việc làm, chiều thiếu hụt về y tế, chiều thiếu hụt về giáo dục, đào tạo, chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh, chiều thiếu hụt về thông tin.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững. Khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa; theo phương châm đến từng hộ gia đình.

 Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững trong năm 2024. Phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo.

Tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo có đủ năng lực, nhiệt huyết để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo thật sự đã có hiệu quả trong thực tế, các mô hình phải có đánh giá cụ thể về hiệu quả kinh tế, xã hội và tác động môi trường. Đổi mới phương thức hỗ trợ hộ nghèo, chuyển từ hỗ trợ riêng lẻ theo hộ gia đình sang tập trung hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, nhu cầu của hộ nghèo, hộ gia đình tham gia đóng góp bằng ngày công lao động, tiền hoặc hiện vật.

Tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tăng cường tổ chức các sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm theo chuyên đề, lồng ghép lưu động tại các huyện, nhất là các huyện miền núi; triển khai đa dạng các hoạt động cung cấp thông tin thị trường lao động, tạo điều kiện giúp học viên, sinh viên, người lao động dễ dàng tiếp cận thông tin thị trường lao động, xu hướng việc làm.

Rà soát, đánh giá, phân loại chuẩn xác hộ nghèo, hộ cận nghèo để có kế hoạch hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm đối tượng; giáo dục, nâng cao khả năng tổ chức cuộc sống trong từng gia đình, gắn trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thực hiện các tiêu chí về giảm nghèo; đồng thời, phân công cán bộ, đảng viên theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Tăng cường các nguồn huy động, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng; vốn tín dụng ưu đãi; lồng ghép nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách giảm nghèo nói chung với các dự án, nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 05/KH-UBND triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Mục đích nhằm thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

 Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đổi mới cách thức tổ chức thực hiện góp phần đưa công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, nhiệm vụ về chuẩn tiếp cận pháp luật ngày càng đi vào thực chất, đáp ứng với nhu cầu thông tin pháp luật của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 bao gồm các nội dung:

Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và nhiệm vụ về chuẩn tiếp cận pháp luật; giải đáp nghiệp vụ, khó khăn, vướng mắc, trả lời kiến nghị của cơ quan, đơn vị, địa phương về những nội dung thuộc phạm vi quản lý.

Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Phối hợp PBGDPL (tỉnh, cấp huyện); đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.

Tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tuyên truyền, PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tăng cường tổ chức tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật.

Tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện kiểm tra, đánh giá hoạt động thuộc lĩnh vực PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại một số cơ quan, địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể năm 2024 phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn, gửi về Sở Tư pháp trước ngày 31/01/2024; cần bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ PBGDPL, bao gồm hoạt động của Hội đồng và thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh, cấp huyện, công tác hòa giải ở cơ sở và đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai, theo dõi, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch này; kịp thời phát hiện vướng mắc, bất cập, vấn đề mới phát sinh đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh cho phù hợp. 

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này