CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Tỉnh Quảng Ngãi

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi mới cách làm, từng bước xây dựng du lịch Quảng Ngãi có bản sắc riêng

Chiều 9-7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức buổi Tọa đàm “Kết nối, hợp tác phát triển Du lịch Quảng Ngãi” nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Du lịch Việt Nam (09/7/1960 - 09/7/2025). Tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Ngọc; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành, hiệp hội du lịch trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Thị Trung cho biết, Quảng Ngãi đang sở hữu nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, kết hợp hài hòa giữa biển đảo, núi rừng, cao nguyên cùng các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Tỉnh có nhiều điểm đến nổi bật như đảo Lý Sơn, biển Mỹ Khê, Sa Huỳnh và những điểm du lịch sinh thái, văn hóa đặc sắc từ Kon Tum như Măng Đen, thác Pa Sỹ, núi Ngọc Linh hay các làng văn hóa cộng đồng giàu bản sắc.

Tỉnh xác định rõ, bộ máy mới cần phải nhanh chóng đi vào vận hành, phát huy hiệu quả ngay từ những ngày đầu. Vì vậy, ngay sau khi thành lập, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tổ chức buổi toạ đàm, với mong muốn đây sẽ là dịp để nhìn nhận rõ nét hơn về tiềm năng, thế mạnh du lịch Quảng Ngãi sau sáp nhập, đồng thời lắng nghe, tiếp nhận những sáng kiến, ý tưởng để xây dựng chiến lược phát triển du lịch dài hạn, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng xu thế phát triển bền vững.

Các đại biểu tham dự

Tọa đàm hướng tới mục tiêu quan trọng là tăng cường gắn kết, thúc đẩy liên kết giữa các vùng, mở rộng không gian du lịch, đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch thật sự đặc sắc, riêng biệt, mang đậm bản sắc Quảng Ngãi. Đó sẽ là những sản phẩm vừa tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên, chiều sâu văn hóa, vừa để lại ấn tượng sâu đậm, giúp du khách có được những trải nghiệm đáng nhớ, những ký ức đẹp khi đến với Quảng Ngãi.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, thiết thực xoay quanh các vấn đề quan trọng như: phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; nâng cao chất lượng hạ tầng, dịch vụ du lịch; thúc đẩy ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số; tăng cường liên kết, hợp tác giữa các vùng. Nhiều ý kiến nhấn mạnh cần tận dụng tối đa lợi thế từ sự đa dạng địa hình sau sát nhập, chú trọng phát triển các sản phẩm gắn với biển, núi, cao nguyên và các giá trị văn hóa truyền thống, nhằm tạo nên dấu ấn riêng biệt cho du lịch Quảng Ngãi.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Ngọc

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Ngọc cho rằng, tỉnh Quảng Ngãi - sau khi hợp nhất với tỉnh Kon Tum, đã bước sang một giai đoạn phát triển mới với không gian rộng mở, tầm nhìn chiến lược sâu rộng và tiềm năng du lịch đa dạng, đặc sắc chưa từng có. Giờ đây, Quảng Ngãi không chỉ có biển đảo Lý Sơn - “thiên đường du lịch biển đảo” giàu giá trị văn hóa - lịch sử, mà còn sở hữu núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ quanh năm, di sản văn hóa phong phú và bản sắc cộng đồng các dân tộc thiểu số độc đáo. Du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm, sinh kế của người dân, xóa đói giảm nghèo, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của tỉnh nhà.

Để phát huy những lợi thế của tỉnh để phát triển du lịch thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ngành, các cấp cần phải cố gắng, nỗ lực, linh hoạt, sáng tạo hơn nữa; thay đổi tư duy, đổi mới cách làm, từng bước xây dựng du lịch Quảng Ngãi có bản sắc riêng để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhà.

Thực hiện quy hoạch phát triển du lịch bài bản; phát triển đảo Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển đảo có thương hiệu khu vực; xây dựng Khu du lịch Măng Đen thành điểm đến sinh thái - nghỉ dưỡng cao cấp mang tầm quốc gia; tăng tốc chuyển đổi số, xây dựng du lịch thông minh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Tận dụng tối đa tiềm năng du lịch tự nhiên và văn hóa, kết hợp bảo tồn và phát triển du lịch, hướng tới sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch, hưởng lợi từ du lịch, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng như: du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm,… đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, xây dựng hình ảnh du lịch Quảng Ngãi hấp dẫn, thân thiện. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đặc biệt là các dự án du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trị cao cấp.

Để phát triển toàn diện, hiệu quả về du lịch, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, tỉnh Quảng Ngãi cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư bằng tinh thần cầu thị, sáng tạo và hành động; trân trọng mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Quảng Ngãi - vùng đất đang mở ra không gian phát triển mới, giàu cơ hội, nhiều tiềm năng.

Các đại biểu thực hiện nghi thức công bố đường dây nóng du lịch

Dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng công bố đường dây nóng 0946.888.225, do Phòng Quản lý Du lịch trực tiếp điều hành và quản lý, nhằm tiếp nhận phản ánh, góp ý từ người dân và doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến hoạt động du lịch và phát động chương trình kích cầu, khuyến mãi đặc biệt nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Du lịch Việt Nam.


Tác giả: PV