CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Tỉnh Quảng Ngãi

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quảng Ngãi đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong thời gian tới

Sáng 16-01, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì họp nghe báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh và cho ý kiến về Kế hoạch thực hiện năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì họp

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực nhờ sự chỉ đạo đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở và sự hưởng ứng tích cực của nông dân.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Trọng Phương báo cáo tại cuộc họp

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh đang được triển khai thực hiện tích cực và mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất trồng trọt; công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật được thực hiện hiệu quả, với các mô hình sản xuất đa dạng, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng nông sản.

Từ năm 2021 đến nay, đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với tổng diện tích gần 2.600 ha, chủ yếu chuyển sang trồng các loại cây hàng năm như: ngô, ngô sinh khối, lạc, rau các loại… Diện tích chuyển đổi đã cho thu hoạch khá, có hiệu quả, nâng cao được giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích cao hơn so với trồng lúa.

Bên cạnh đó, người dân đã chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng cây khác và mang lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa như ngô sinh khối, rau các loại, lạc... Phát triển vùng chuyên canh mang tính đặc trưng từng vùng, miền như phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả tại huyện Nghĩa Hành, đến nay, diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện hơn 742 ha, thu nhập của người dân đã tăng lên đáng kể.

Tốc độ tăng trưởng hàng năm trong sản xuất các loại cây trồng đều tăng. Đặc biệt trong năm qua, mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa đã giúp giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận nhờ năng suất bình quân cao hơn 5,5 tạ/ha so với đại trà, đồng thời tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tăng năng suất lao động và thu nhập cho nông dân. Việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác cũng mang lại giá trị kinh tế cao hơn, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một diện tích.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2025, ngành nông nghiệp tiếp tục nghiên cứu và xây dựng các Kế hoạch cụ thể hơn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt.

Đồng thời, tập trung nghiên cứu thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên của từng vùng để xác định cây trồng phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, đặc biệt là các mô hình nông nghiệp thông minh, bền vững. Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể và thiết thực cho người dân.

Bên cạnh đó, kết nối đối tác tiêu thụ và hình thành chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ bền vững, đặc biệt là với các sản phẩm cây ăn quả và nông sản chủ lực. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo đầu ra ổn định và gia tăng giá trị cho người nông dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương kết nối, tham khảo ý kiến từ chuyên gia, đồng thời học tập kinh nghiệm từ các tỉnh đã thực hiện thành công trong việc triển khai mô hình chuyển đổi cây trồng.