Phát triển Hạ tầng số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 252/KH-UBND về phát triển Hạ tầng số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030
Mục tiêu đến năm 2025
- Phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình, thôn, tổ dân phố;
- 100% các khu vực trung tâm thành phố, thị xã, trung tâm thị trấn, nhà ga; khu Kinh tế và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các điểm có thiết bị quan trắc trên địa bàn tỉnh có dịch vụ di động 5G;
- Xây dựng, bảo đảm năng lực, sẵn sàng triển khai thử nghiệm mạng di động 6G;
- 100% các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh có hạ tầng băng rộng di động;
- 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh;
- Phát triển trung tâm dữ liệu mới đạt tiêu chuẩn xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng (PUE – Power Usage Effectiveness) không vượt quá 1,4;
- Trung bình mỗi người dân có 01 kết nối Internet vạn vật (IoT - Internet of Things);
- Mỗi người dân có 01 định danh số;
- Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 50%;
- Phát triển các nền tảng cung cấp các công nghệ số (IoT, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, an ninh mạng,...) như dịch vụ, đóng vai trò là hạ tầng mềm để phát triển kinh tế, xã hội.
Mục tiêu đến năm 2030
-100% người sử dụng có khả năng truy nhập cáp quang với tốc độ 1Gb/s trở lên;
- Mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số;
- Xây dựng, bảo đảm năng lực, sẵn sàng triển khai thử nghiệm mạng di động 6G;
- Số lượng kết nối IoT đạt mức trung bình cao của thế giới hoặc trung bình mỗi người dân 04 kết nối IoT;
- Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 70%;
- Triển khai nền tảng số quốc gia và xây dựng một số nền tảng số dùng chung cấp tỉnh, hình thành hệ sinh thái nền tảng số phục vụ phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và trong từng ngành, lĩnh vực trên địa bàn.
Để thực hiện đạt mục tiêu trên, Kế hoạch của UBND tỉnh đưa ra các nhiệm vụ: Phát triển hạ tầng Viễn thông và Internet; Phát triển hạ tầng dữ liệu (trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây); Phát triển hạ tầng vật lý - số; Phát triển hạ tầng tiện ích số và Công nghệ số như dịch vụ
Giải pháp thực hiện
Triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách mới của cơ quan có thẩm quyền nhằm tạo điều kiện, thúc đẩy để các doanh nghiệp phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, xây dựng các trung tâm lưu trữ dữ liệu, trạm trung chuyển Internet,... trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch của doanh nghiệp; Xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050. Xây dựng chính sách, quy định ưu tiên ứng dụng các công nghệ mới (AI, Cloud, Blockchain, IoT, Big Data,...) trong triển khai các hệ thống thông tin, ứng dụng của tỉnh; đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng số.
Các cơ quan, đơn vị khi tham mưu ban hành các chính sách, quy định bảo đảm hạ tầng kỹ thuật như giao thông, điện, chiếu sáng… phải cho hạ tầng viễn thông được chia sẻ, dùng chung nhằm hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông, bảo đảm hiệu quả đầu tư chung của nền kinh tế. Hoàn thiện các chính sách, thúc đẩy, bảo đảm trong quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phải sẵn sàng cho phát triển hạ tầng số (ưu tiên không gian, vị trí, tạo điều kiện để phát triển hạ tầng băng rộng, xây dựng các trung tâm lưu trữ dữ liệu, trạm trung chuyển Internet, trạm cập bờ kết nối quốc tế…).
Hoàn thiện chính sách, bảo đảm khả năng triển khai hạ tầng băng rộng đồng bộ với hạ tầng ngành khác (giao thông, xây dựng, cấp thoát nước, chiếu sáng, năng lượng) theo nguyên tắc tăng cường chia sẻ, dùng chung. Tăng cường phối hợp, chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng viễn thông để tăng hiệu quả đầu tư, phát triển, xây dựng hạ tầng của doanh nghiệp bảo đảm mỹ quan và an toàn cho người dân; triển khai các phương pháp chia sẻ hạ tầng tiên tiến (thụ động, tích cực).
Triển khai thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Quảng Ngãi; Thúc đẩy chia sẻ hạ tầng mạng dùng chung giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật để mở rộng vùng phủ sóng mạng di động 4G, 5G, giảm thiểu chi phí đầu tư; triển khai sử dụng thông tin liên lạc vệ tinh để phủ sóng các khu vực đặc biệt khó khăn thuộc miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
Tiếp tục duy trì vận hành, hoàn thiện (thuê dịch vụ công nghệ thông tin hoặc đầu tư xây dựng mới) Hệ thống giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng (SOC) tỉnh Quảng Ngãi đảm bảo đủ năng lực giám sát, điều hành, phát hiện, cảnh báo sớm và xử lý các vấn đề mất an toàn, an ninh thông tin. Tiếp tục duy trì, bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp. Đảm bảo trên 90% cơ quan, tổ chức khắc phục, xử lý các điểm yếu, lỗ hổng, an ninh thông tin; 100% máy chủ, máy trạm các cơ quan nhà nước được triển khai giải pháp phòng chống mã độc; 100% hệ thống thông tin công khai trực tuyến của các cơ quan nhà nước được giám sát từ xa.
Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới trong triển khai mạng truy nhập Internet băng rộng bao gồm vệ tinh quỹ đạo tầm thấp (Low Earth Orbit - LEO),… để phục vụ nhu cầu của người dân trong việc sử dụng các dịch vụ truy nhập băng rộng ở các vùng sâu, vùng xa, hải đảo; đồng thời đảm bảo hạ tầng cho các ứng dụng kết nối IoT (phòng chống thiên tai, cảnh báo thảm họa).
Thúc đẩy ứng dụng các hạ tầng công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, IoT, dữ liệu lớn. Phát triển mạng di động 6G thông qua hệ sinh thái mở (thiết bị, giải pháp, ứng dụng….) gồm các thành phần: nền tảng mở, công nghệ mở, mã nguồn mở,...Phối hợp xây dựng các chỉ số phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh, triển khai các hệ thống đo lường, giám sát, quản lý nhà nước về hạ tầng số.