Rà soát, sắp xếp, bố trí, xử lý trụ sở, tài sản công
Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 2917/UBND-KTTH chỉ đạo thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí, xử lý trụ sở, tài sản công và rà soát dự án, công trình, trụ sở đang xây dựng hoặc đã phê duyệt chủ trương đầu tư chịu sự tác động bởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính.
Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ban ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và hướng dẫn của Bộ Tài chính về sắp xếp, xử lý tài sản công để xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý trụ sở, tài sản công đồng thời với quá trình lập, trình, thẩm định, phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính. Có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, bảo quản, đề xuất phương án xử lý hoặc tổ chức xử lý tài sản đối với các tài sản dôi dư sau khi sắp xếp, tránh để xuống cấp, thất thoát, lãng phí tài sản.
Rà soát quỹ nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở đã được cấp có thẩm quyền giao quản lý theo các mục đích quy định. Kết quả rà soát báo cáo cho UBND tỉnh trước ngày 30/5/2025.
Rà soát các dự án, công trình, trụ sở đang xây dựng hoặc đã phê duyệt chủ trương đầu tư chịu sự tác động bởi việc sắp xếp, tỉnh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính; đề xuất phương án xử lý đối với từng dự án (tiếp tục thực hiện hoặc điều chỉnh dự án phù hợp với mục đích sử dụng) đảm bảo tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí. Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xem xét, giải quyết.
Giao Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì lập, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phục vụ việc bố trí, sắp xếp, xử lý trụ sở, công trình sự nghiệp là tài sản công; hoàn tất các thủ tục hành chính về đất đai cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị được kế thừa, tiếp nhận trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo phương án sắp xếp.
Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh thực hiện hoán đổi (điều chuyển) trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã và cơ quan Trung ương trên địa bàn có trụ sở dôi dư, thừa, thiếu diện tích so với tiêu chuẩn, định mức, có thể bố trí nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng chung 01 cơ sở nhà, đất để bảo đảm tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp sẵn có trên địa bàn. Đối với các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư sau khi đã bố trí, sắp xếp được thực hiện theo các hình thức xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; trong đó, ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích công cộng của địa phương (thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao....); thu hồi để giao tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà của địa phương quản lý, khai thác (quản lý để phục vụ mục tiêu lâu dài của Nhà nước; bảo quản, bảo vệ tài sản; bố trí cho các cơ quan, đơn vị sử dụng tạm thời, cho thuê nhà gắn với đất,...), giao tổ chức phát triển quỹ đất của địa phương quản lý, phát triển và khai thác theo quy định của pháp luật,.....
Bảo đảm nguồn kinh phí bảo vệ, bảo quản, bàn giao, tiếp nhận, tổ chức xử lý tài sản đối với các tài sản dôi dư sau khi sắp xếp, tránh xuống cấp, thất thoát, lãng phí tài sản. Trong đó, đề xuất việc kiện toàn, giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp đủ điều kiện, đặc biệt là các Tổ chức phát triển quỹ đất của địa phương để thực hiện chức năng quản lý, khai thác quỹ nhà, đất là tài sản công dôi dư trong quá trình sắp xếp.
Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường, các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, phân loại, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định việc quản lý, xử lý nhà, đất theo quy định. Rà soát nhà, đất dôi dư khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà quản lý, khai thác.
Tổng hợp, rà soát các dự án, công trình, trụ sở đang triển khai xây dựng hoặc đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng chịu tác động bởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy; trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý với từng dự án, đảm bảo tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí; kịp thời báo cáo UBND tỉnh trong trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.
Yêu cầu các Sở: Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường; Thanh tra tỉnh thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm để đảm bảo thực hiện đầy đủ quy định tại Luật quản lý sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan, tránh thất thoát, lãng phí trụ sở, tài sản công chịu sự tác động bởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.