CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Tỉnh Quảng Ngãi

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 4-9/11/2024.

Chủ động ứng phó mưa lớn, gió mạnh trên biển trong những ngày tới; Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai ứng phó bão số 7; Hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong năm 2025;  Kế hoạch tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;  Kế hoạch tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam…là một số nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 4-9/11/2024.

Chủ động ứng phó mưa lớn, gió mạnh trên biển trong những ngày tới

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền vừa ký Công văn số 5948/UBND-KTN chỉ đạo về chủ động ứng phó mưa lớn, gió mạnh trên biển trong những ngày tới.

Thực hiện Công văn số 8220/BNN-ĐĐ ngày 31/10/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ miền Trung trong 10 ngày tới, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành liên quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến của gió mạnh trên biển; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền; chủ động cấm tàu, thuyền ra biển hoạt động khi vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có gió mạnh từ cấp 6 trở lên.

Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Tổ chức kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, ngập úng để kịp thời di dời, sơ tán người dân trong khu vực đến nơi an toàn; nhất là lưu ý các khu vực đã và đang có sạt lở trên địa bàn các huyện: Sơn Hà, Trà Bồng, Sơn Tây, Ba Tơ, Minh Long. Lưu ý các điểm đã xuất hiện vết nứt sườn đồi núi, có nguy cơ cao sạt lở phải chủ động sơ tán người dân theo phương châm “đi sớm về muộn”.

Rà soát phương án đảm bảo an toàn giao thông nhất là khu vực dễ bị chia cắt, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó, tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.

Kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình và mỏ khai thác vật liệu trên sông, suối, vùng ven biển chủ động tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, công trình, thu dọn các vật cản trên sông, suối để đảm bảo thoát lũ.

Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai ứng phó bão số 7

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Công điện số 04/CĐ-UBND hồi 12h giờ 00 phút, ngày 08/11/2024 về triển khai ứng phó bão số 7.

Để chủ động ứng phó với diễn biến bão, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương nêu trên khẩn trương trển khai các nội dung sau:

Đảm bảo an toàn tàu, thuyền, lồng bè

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý các Cảng cá tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển, đảo theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 7; quản lý chặt chẽ việc ra biển hoạt động của các tàu, thuyền; chủ động cấm tàu, thuyền ra biển hoạt động khi vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có gió mạnh từ cấp 6 trở lên.

Thông báo, hướng dẫn kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão số 7 để chủ động các biện pháp phòng, tránh, thoát ra khỏi hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm của bão. Đặc biệt, các tàu, thuyền đang hoạt động tại khu vực phía Bắc Biển Đông và khu vực quần đảo Hoàng Sa không được chủ quan, phải khẩn trương di chuyển tránh trú ngay để đảm bảo an toàn. Hoàn thành việc kêu gọi tàu thuyền trước 10 giờ ngày 09/11/2024.

Thông báo, hướng dẫn và yêu cầu các chủ lồng, bè đang nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển khẩn trương di chuyển vào nơi neo đậu an toàn. Tổ chức neo đậu tàu, thuyền, lồng bè đảm bảo an toàn tại nơi neo trú; chủ động đưa tàu nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại; không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có sóng, gió lớn; lưu ý việc tàu vận tải biển, tàu cá ngư dân neo đậu khu vực cửa Sa Cần, vùng biển Dung Quất, Sa Kỳ, Tịnh Hoà.

Chủ động ứng phó gió mạnh do bão

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 7, sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông hiện có để tuyên truyền các thông tin dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn để người dân biết, chủ động phòng tránh.

Sẵn sàng các kịch bản chi tiết theo từng kịch bản bão ảnh hưởng đến địa bàn để kịp thời triển khai ứng phó.

Các huyện ven biển và huyện Lý Sơn tiếp tục rà soát, hướng dẫn người dân chằng, chống, gia cố nhà ở, công trình để đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại. Tuyên truyền, thông báo hướng dẫn người dân có nhà ở không an toàn sơ tán đến nơi an toàn, nhất là tại huyện Lý Sơn.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện trên địa bàn để kịp thời triển khai ứng phó bão số 7.

Chủ tịch UBND cấp huyện chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện công tác phòng chống thiên tai và triển khai ứng phó sạt lở núi, đồi, ngập úng đô thị, đảm bảo an toàn cho các công trình cầu giao thông trên địa bàn quản lý; kịp thời cập nhật tình hình bão, mưa, lũ để có chỉ đạo phù hợp.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn trên địa bàn, thông tin, thông báo kịp thời đến người dân trong khu vực nhằm chủ động các biện pháp ứng phó, đảm bảo thông tin phải đến được từng hộ gia đình; sẵn sàng lực lượng để hỗ trợ sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt đến nơi an toàn (theo phương châm 4 tại chỗ đã được phê duyệt trong Phương án của địa phương, đơn vị).

Sẵn sàng tổ chức lực lượng để kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông suốt trên các trục giao thông chính.

Kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và vùng hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi đang bị xuống cấp, đặc biệt là các hồ chứa đã có biểu hiện nguy hiểm.

Sẵn sàng vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời tổ chức ứng phó thiên tai theo Phương án đã được phê duyệt.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị vũ trang tại địa phương phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai công tác ứng phó bão, mưa lũ và sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương và người dân khi có yêu cầu.  

Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp tỉnh: Thông báo đến các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc địa bàn quản lý thực hiện ngay các biện pháp phòng chống bão số 7 đảm bảo an toàn cho cán bộ, công nhân, nhà máy, công xưởng và các hệ thống thiết bị, tài sản,… đặc biệt là Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy thép Hòa Phát, Khu công nghiệp VSIP,….

Hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong năm 2025

 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ngãi vừa ban hành Công văn số 2407-CV/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh xem chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách cần huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc để triển khai nhanh chóng, hiệu quả, với quyết tâm chính trị cao nhất; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung, mục đích, ý nghĩa của chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, tích cực tham gia với tinh thần “ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều” để chung tay hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, tạo động lực lan tỏa sâu rộng để phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong năm 2025. Người dân, hộ gia đình được hỗ trợ phải tự bảo đảm một phần (kêu gọi bạn bè, người thân giúp đỡ, hỗ trợ các nguồn lực, công sức giúp đỡ lẫn nhau phù hợp).

Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo:

Khẩn trương rà soát, đánh giá đầy đủ, chính xác về số lượng và đối tượng thuộc diện được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát; hoàn thành một số thiết kế nhà mẫu, bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, diện tích, quy mô, công năng sử dụng, phù hợp với văn hoá, phong tục tập quán và đặc điểm của từng địa phương, vùng miền với mức giá phù hợp theo quy định và điều kiện thực tế.

Kịp thời hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng quy trình thủ tục thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát; hỗ trợ các địa phương giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là vấn đề pháp lý đất đai, vật tư, kỹ thuật, nguồn lực, thanh quyết toán,… để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, bảo đảm chất lượng, thời hạn sử dụng của công trình, nhất là đáp ứng tiêu chí "3 cứng": Nền móng cứng; khung tường cứng; mái cứng. Tổ chức giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện.

Chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước và đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội để thực hiện các chương trình. Chú trọng phối hợp vận động, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.

Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh, nguồn hỗ trợ của Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Ba Tơ trước ngày 11/3/2025 để chào mừng Kỷ niệm 80 năm Ngày Khởi nghĩa Ba Tơ (11/3/1945 – 11/3/2025).

Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở địa phương, bảo đảm chất lượng và yêu cầu đề ra. Tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện.

Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thành lập Tổ công tác dân vận để vận động và huy động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân hỗ trợ nguồn lực thực hiện xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; đồng thời, định hướng, chỉ đạo việc thành lập các tổ công tác dân vận ở cấp huyện và cấp xã.

Nghiên cứu đề xuất việc huy động 01 ngày lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong năm 2025 để hỗ trợ thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát. Quản lý, sử dụng các nguồn huy động hỗ trợ đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục đích, công khai, minh bạch, đúng quy định, tránh để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Tăng cường công tác giám sát việc thực hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ thời gian; định kỳ báo cáo Ban Chỉ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi chỉ đạo.

Lực lượng vũ trang tích cực phối hợp chặt chẽ cùng với các cấp, các ngành, địa phương thực hiện tốt chủ trương chung tay xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng, hướng dẫn công tác tuyên truyền nội dung Công văn này; chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước về xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo để tuyên truyền, phổ biến, nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân.

Ban Thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc thành lập Ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cấp huyện, xã, nơi thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát theo các chương trình: (1) Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; (2) Hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia; (3) Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân.

 Kế hoạch tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

 Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 211/KH-UBND triển khai thực hiện Kế hoạch số 313-KH/TU ngày 10/10/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi” .

Thường xuyên cung cấp thông tin, truyền thông về các chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách mới của Nhà nước về giáo dục và đào tạo; chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông trong việc định hướng dư luận, nhất là các vấn đề về đổi mới giáo dục mà xã hội quan tâm.

Kịp thời chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập có liên quan đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên, học viên. Phối hợp tháo gỡ, giải quyết các vấn đề về đổi mới giáo dục và đào tạo đảm bảo quy định, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của ngành giáo dục và đào tạo hiện nay.

Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo. Tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị về công tác giáo dục và đào tạo trong việc giao biên chế, tổ chức bộ máy, chính sách đối với nhà giáo và phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục; trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư vào các chương trình, kế hoạch của tỉnh, xây dựng, duy trì trường đạt chuẩn quốc gia của địa phương theo từng năm, nhiệm kỳ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, kỹ năng sống, giáo dục quốc phòng, an ninh gắn với việc giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng cống hiến đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tăng cường phối hợp giữa các cơ sở giáo dục phổ thông với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động tư vấn học đường, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh sau trung học cơ sở vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học công lập nhằm chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao gắn với nghiên cứu đào tạo, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống mạng lưới trường, lớp; thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Tập trung rà soát, phát triển quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; sắp xếp, điều chỉnh quy mô hợp lý, hiệu quả, bảo đảm thực hiện việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; công bằng trong tiếp cận giáo dục; ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh. Quan tâm, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập ở các cấp học; khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục theo quy định.

Phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấpNâng cao trình độ lý luận chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, quy chế làm việc và văn hóa công sở cho đội ngũ nhà giáo; đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách về lương, phụ cấp và chính sách hiện hành cho giáo viên theo quy định; tập trung phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

Các địa phương thực hiện đảm bảo ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước theo Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị. Tổ chức thực hiện hiệu quả các đề án, dự án về giáo dục đào tạo của Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; ưu tiên thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư công thuộc chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu, nhất là vùng nông thôn, đồng bào dân tộc, miền núi, phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa ước đạt 98%.

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo. Các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh hội nhập quốc tế thông qua hợp tác với các cơ sở giáo dục chất lượng cao về trao đổi kinh nghiệm và phương pháp đào tạo, giảng dạy.

Các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam

Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 209/KH-UBND tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025)

Tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân tài liệu tuyên truyền kỷ niệm với chủ đề: “Xây dựng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; “Xây dựng thế trận lòng dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc” trên các phương tiện truyền thông của tỉnh. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phát huy ưu điểm, lợi thế của các loại hình truyền thông mới.

 Tổ chức họp báo định hướng tuyên truyền, bồi dưỡng báo cáo viên; biên soạn, xuất bản, phát hành tài liệu, ấn phẩm tuyên.

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm; triển khai tài liệu tuyên truyền về sự kiện; nội dung các khẩu hiệu tuyên truyền về sự kiện trên phạm vi toàn tỉnh; chú trọng chỉ đạo tăng cường tuyên truyền trên các kênh báo chí truyền thông, cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội; Biên soạn, phát hành Đề cương tuyên truyền và một số xuất bản phẩm làm tài liệu tuyên truyền về sự kiện.

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về sự kiện như: Xây dựng phim tài liệu về lực lượng Công an tỉnh Quảng Ngãi; xây dựng, phát sóng các chương trình, chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về lực lượng CAND, các hoạt động kỷ niệm sự kiện; thông báo xem các chương trình, phim truyền hình về CAND.

Tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trong toàn lực lượng Công an tỉnh với chủ đề: “Xây dựng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục tuổi trẻ toàn tỉnh về truyền thống vẻ vang của CAND Việt Nam và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Phát động Cuộc thi tìm hiểu “80 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; Cuộc thi giải báo chí về chủ đề “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”.

Tổ chức hoạt động “về nguồn”, kết hợp Hội trại “Vì an ninh Tổ quốc” cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu trong tỉnh; phát động, tuyên truyền thế hệ trẻ tích cực tham gia Cuộc thi tìm hiểu “80 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Bình chọn và tuyên dương các tập thể, cá nhân, mô hình có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, hiến máu nhân đạo, thiện nguyện... trong tuổi trẻ Công an tỉnh và tuổi trẻ tỉnh Quảng Ngãi để giao lưu, biểu dương, khen thưởng.

Triển khai phong trào thi đua đặc biệt trong toàn lực lượng Công an tỉnh hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Tổ chức vận động văn nghệ sĩ, trí thức trên địa bàn tỉnh tham gia sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí với chủ đề “An ninh với cuộc sống”; tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng CAND lần thứ XIII; các cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm báo chí, văn học, âm nhạc, mỹ thuật về sự kiện; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao chào mừng sự kiện, trong đó, lưu ý tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại các địa phương nhằm thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo quần chúng Nhân dân với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND.

Tổ chức hội thảo, tọa đàm, giao lưu, gặp mặt, tôn vinh điển hình tiên tiến… với chủ đề: “Xây dựng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; “Xây dựng thế trận lòng dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc”.

Hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các hoạt động dân vận, chính sách giúp Nhân dân và các địa phương hoàn thành mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; các hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”, hỗ trợ xóa nhà dột nát; xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà nghĩa tình đồng đội cho các đối tượng.

Tổ chức thăm hỏi, tặng quà thân nhân, gia đình liệt sỹ CAND, các đồng chí thương, bệnh binh CAND, Công an xã, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và những người có công trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Công an tỉnh qua các thời kỳ.

BTV