CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Tỉnh Quảng Ngãi

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm về Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1677/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm về Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch di tích bao gồm các địa điểm, không gian các khu vực có liên quan đến 11 điểm thuộc di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (thị trấn Ba Tơ, xã Ba Động, xã Ba Thành, xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ), với diện tích khoảng 16.400 ha.

Quy mô lập Quy hoạch có diện tích khoảng 20,1 ha, gồm toàn bộ diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I và II của các điểm di tích (4,89 ha) và diện tích mở rộng ra các khu vực xung quanh nhằm phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn di tích với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Đưa di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ trở thành tuyến du lịch đặc sắc, kết hợp tham quan các khu vực cảnh quan tự nhiên, văn hóa truyền thống của địa phương; là điểm đến quan trọng trên Con đường di sản Trung Quảng Ngãi (Tuyến ĐT 624, 624B, thành phố Quảng Ngãi - Nghĩa Hành - Ba Tơ).

Góp phần phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của địa phương; phát huy giá trị di sản văn hóa và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản văn hóa, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với du lịch bền vững, bảo vệ môi trường.

Nội dung Nhiệm vụ lập quy hoạch gồm: Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích; nghiên cứu, đánh giá yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên liên quan đến nội dung quy hoạch;

Nghiên cứu, khảo sát các điểm di tích: Khảo sát, đánh giá hiện trạng, đặc điểm, các yếu tố cấu thành đặc trưng, giá trị di tích; đánh giá tổng thể về phân bố các điểm di tích, vị trí, vai trò của di tích trong mối quan hệ vùng;

Đánh giá tình trạng kỹ thuật, thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di tích; cung cấp số liệu về các công trình, dự án đã và đang thực hiện trong khu vực di tích; nguyên nhân ảnh hưởng đến các dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích;

Phân tích tình hình thực hiện công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trong thời gian qua, làm cơ sở đánh giá sự phù hợp của việc bảo tồn di tích với quy hoạch chuyên ngành khác đã phê duyệt còn hiệu lực hoặc đã thực hiện. Xác định các vấn đề còn tồn tại trong thực tiễn quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp;

Nghiên cứu, đánh giá tình hình đầu tư các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, các dự án có liên quan, hỗ trợ phát huy giá trị di tích trong khu vực nghiên cứu từ các nguồn vốn đầu tư khác nhau trong giai đoạn nghiên cứu; đánh giá kết quả, hiệu quả đầu tư các dự án, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân để có cơ sở đề xuất các giải pháp quy hoạch;

Nghiên cứu, đánh giá yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên liên quan đến nội dung quy hoạch: Khảo sát địa hình hiện trạng trọng phạm vi lập quy hoạch; xác định cấu trúc quy họach, kiến trúc, cảnh quan khu vực; vị trí, cấu trúc địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng;

Khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật khu vực lập quy hoạch (giao thông, nguồn nước và cấp nước, nước thải và vệ sinh môi trường, cấp điện và thông tin liên lạc,...); Nghiên cứu, khảo sát, bổ sung vị trí, ranh giới dự kiến cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Đánh giá hiện trạng các công trình kiến trúc xây dựng trong phạm vi quy hoạch, các công trình kiến trúc xâm phạm khu vực khoanh vùng bảo vệ vi di tích (nếu có) để đề xuất phương án xử lý phù hợp;

Nghiên cứu khảo sát đánh giá các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tại địa phương (sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán…); Mối liên hệ giữa bảo tồn di tích và phát triển du lịch trên cơ sở đánh giá thực trạng và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, sự phù hợp với các quy hoạch, đề án có liên quan;

Đánh giá cụ thể những tác động tích cực và tiêu cực tới phát triển kinh tế - xã hội liên quan tới điều kiện sống của cộng đồng dân cư trong khu vực, không gian kiến trúc cảnh quan, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, phát triển du lịch.

Xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích: Nhận diện các đặc trưng và yếu tố cấu thành di tích; cấu trúc không gian cảnh quan và các giá trị tiêu biểu khác của di tích; những hạn chế, khó khăn và các vấn đề cần giải quyết trong Quy hoạch.

Xác định các chỉ tiêu, dự báo phát triển của khu vực: Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và dự báo phát triển đô thị, du lịch; dự báo dân số và sức ép gia tăng dân số lên khu vực di tích; dự báo về lượng khách du lịch, nhu cầu du lịch và các dịch vụ du lịch; các chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật.

Xác định nội dung và định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích: Đánh giá tính khả thi của ranh giới khu vực bảo vệ di tích, kiến nghị điều chỉnh (nếu cần thiết), xác định khu vực cảnh quan thiên nhiên, khu vực hạn chế xây dựng, khu vực xây dựng mới; đề xuất việc xếp hạng bổ sung công trình, địa điểm mới phát hiện.

Định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, bao gồm: Xác định phương hướng chung, nguyên tắc và giải pháp cơ bản đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích của toàn khu vực nghiên cứu và khu vực quy hoạch; Lập danh mục các đối tượng di tích cần bảo quản, tu bổ, phục hồi và mức độ bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với từng hạng mục di tích; Đề xuất các giải pháp tổng quan về bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; gắn kết bảo tồn di sản văn hóa và cảnh quan tự nhiên với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; Sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương vào các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, xây dựng công trình mới và hạ tầng kỹ thuật: Định hướng phát triển không gian, sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật của khu vực trên cơ sở lấy di tích làm trung tâm phát triển, theo xu thế phát triển bền vững, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Xem xét và cân đối các nhu cầu phát triển trong khu vực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở rà soát các quy hoạch, dự án đã, đang và sẽ thực hiện trong khu vực để nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp giữa yêu cầu bảo tồn di tích và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và định hướng quy hoạch mới.

Nghiên cứu, phát hiện, làm rõ thêm những tiềm năng của di tích phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xây dựng các quy định về độ cao, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc, vật liệu xây dựng; định hướng cải tạo, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực quy hoạch di tích đảm bảo tuân thủ các quy định, quy chuẩn về quy hoạch xây dựng và không chồng chéo với các nội dung quy hoạch đã được phê duyệt.

Đề xuất định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững; tạo lập, bổ sung và phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe nhằm tận dụng tối đa những lợi thế sẵn có của địa phương.

Khai thác hợp lý và có hiệu quả giá trị di tích, các ưu thế nội sinh, các yếu tố ngoại ứng tích cực khác nhằm phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ hoàn chỉnh và đồng bộ... phục vụ phát triển kinh tế, trọng tâm là du lịch dịch vụ. Trong đó ưu tiên bố trí những điểm dịch vụ độc đáo, hấp dẫn và tập trung cao một cách hợp lý tại các cụm, điểm trong di tích, nhằm phát triển đón đầu với mục đích vừa phát huy giá trị của di tích vừa hình thành những vành đai ngoài để bảo vệ di tích; hạn chế tối đa những khu vực kinh tế không chính thức, phân tán nhỏ lẻ có nguy cơ xâm hại cao đến giá trị di tích. Từng bước hình thành một điểm du lịch văn hóa đặc sắc, có sản phẩm đa dạng phong phú trên cơ sở phù hợp với khả năng huy động vốn đầu tư, nhằm đảm bảo cân đối giữa lợi ích phát triển kinh tế với bảo tồn di sản và các lợi ích khác.

Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch và các chi phí khác có liên quan đến công tác lập quy hoạch.

Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng có liên quan đối với phạm vi, ranh giới quy hoạch đề xuất; về trình tự, thủ tục, tính chính xác, hợp pháp của nội dung, tài liệu, số liệu, thông tin báo cáo, bản đồ tại hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch và trong quá trình tổ chức lập quy hoạch; bảo đảm nội dung các định hướng, đề xuất trong quy hoạch tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật liên quan, không hợp pháp hóa các sai phạm (nếu có).

Chịu trách nhiệm và bảo đảm về việc tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tại địa phương trong quá trình tổ chức lập quy hoạch theo đúng quy định pháp luật.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan tổ chức lập, trình phê duyệt hồ sơ quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật.

          D.L