Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý khoáng sản và đất đai
Chiều 9-4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì họp triển khai kết quả học tập kinh nghiệm về công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản tại tỉnh Đồng Tháp và chuyển đổi số trong công tác quản lý đất đai tại tỉnh Đồng Nai.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện nhiều giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là hoạt động khai thác cát trên sông. Dù có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản của tỉnh vẫn còn thủ công, chưa đẩy mạnh ứng dụng giải pháp công nghệ và số hóa trong công tác quản lý giám sát hoạt động khai thác cát trên sông nên vẫn còn nhiều hạn chế, chưa chặt chẽ.
Đối với công tác quản lý đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Quảng Ngãi mới được thực hiện từ năm 2022 theo Dự án ‘Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” triển khai tại 8/13 đơn vị hành chính cấp huyện (thành phố Quảng Ngãi, Sơn Tịnh, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Lý Sơn), với 92/170 đơn vị hành chính cấp xã. Hiện có 1,2 triệu thửa đất có thuộc tính và 1,4 thửa đất có không gian đã được xây dựng và vận hành bằng hệ thống thông tin đất đai (VBDLIS).
Hệ thống thông tin đất đai của tỉnh đã kết nối với Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, chia sẻ thông tin với Cơ sở dũ liệu quốc gia về dân cư; kết nối liên thông với cơ quan thuế và phần mềm Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính để tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ-Kiểm soát TTHC của tỉnh và Bộ phận một cửa các huyện, thị xã, thành phố.

Qua trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản tại tỉnh Đồng Tháp và chuyển đổi số trong công tác quản lý đất đai tại tỉnh Đồng Nai, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã nghiên cứu đề xuất áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Theo đó, đối với công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, Sở đề xuất giải pháp phần mềm quản lý giám sát hoạt động khai thác cát trên sông, gồm: số hóa thông tin cấp phép; quản lý thông tin doanh nghiệp, phương tiện tham gia hoạt đông khai thác; định vị, giám sát phương tiện khai thác, phương tiện vận chuyển theo thời gian thực (thông qua thiết bị định vị GPS); cảnh báo, báo cáo vi phạm khai thác ngoài vùng cấp phép; giám sát tính toán sản lượng khai thác; kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống liên quan.
Đối với công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu và phối hợp với Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) thực hiện và xác nhận hoàn thành tình trạng kết nối cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai của tỉnh với CSDL Quốc gia về dân cư đối với 8 địa phương của tỉnh đã xây dựng CSDL đất đai.
Đối với 5 địa phương chưa xây dựng CSDL đất đai còn lại, hiện nay Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các Chi nhánh cấp huyện triển khai sắp xếp, phân loại, số hóa theo kế hoạch.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền nhấn mạnh, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, khắc phục các hạn chế hiện tại và tận dụng tối đa các lợi ích mà công nghệ mang lại để xây dựng một hệ thống quản lý tài nguyên khoáng sản, đất đai hiện đại, minh bạch và hiệu quả hơn, đặc biệt là theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương xây dựng hoàn thiện giải pháp số hóa và phần mềm quản lý giám sát hoạt động khai thác cát trên sông, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định đưa vào triển khai đối với các mỏ cát đã cấp phép khai thác kể từ ngày 01/6/2025.
Về cơ sở dữ liệu đất đai, đối với 8 địa phương đã xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo Dự án ‘Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai”, giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh chủ động làm việc với các cơ quan trung ương để kết nối đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo theo yêu cầu; đồng thời, khẩn trương thực hiện số hóa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân và tổ chức, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn toàn tỉnh, hoàn thành trước ngày 30/6/2025.