Triển khai các biện pháp chỉ đạo sản xuất trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền vừa ký Công văn số 205/UBND-KTN chỉ đạo về triển khai các biện pháp chỉ đạo sản xuất trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025.
Đến nay, diện tích lúa vụ Đông Xuân 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh đã gieo sạ khoảng 32.517,2ha/38.056ha, đạt 85,4% so với kế hoạch, cây rau màu các loại đã xuống giống khoảng 4.956ha, đạt 15,6% so với kế hoạch. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025 có khả năng xuất hiện từ 2 - 4 đợt rét/tháng, nhiệt độ thấp nhất khả năng xảy ra trong tháng 01/2025.
Để chăm sóc tốt các loại cây trồng vụ Đông Xuân 2024 - 2025 trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung sau:
Trước và trong Tết Nguyên đán 2025: Đối với cây lúa, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, khuyến cáo bà con nông dân khẩn trương làm đất, tiến hành gieo sạ đối với diện tích lúa còn lại; thường xuyên thăm đồng, tập trung chăm sóc, làm cỏ, tỉa dặm, bón phân,...; sử dụng phân bón hợp lý, đúng cách, tiết kiệm, hiệu quả, cân đối; khuyến khích sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ chất lượng cao, phân bón hữu cơ có chứa các loại vi sinh vật có ích mới; đồng thời bổ sung phân bón lá trung, vi lượng và phân bón có chứa các nguyên tố Ma giê, Silic hàm lượng cao giúp cho lúa cứng cây, chống đỗ ngã.
Chỉ đạo điều tiết nước khoa học, hợp lý, tiết kiệm ngay từ đầu vụ, đảm bảo đủ nước theo nhu cầu từng giai đoạn phát triển của cây lúa, nhất là giai đoạn làm đòng và trổ bông. Nên cho nước vào ruộng, để mực nước trong ruộng khoảng 3-5cm để giữ ấm cho cây lúa. Đối với các chân ruộng chủ động tưới tiêu, cần tăng cường áp dụng các kỹ thuật tưới như: Tưới ướt khô xen kẻ, tưới nước theo Sổ tay hướng dẫn quy trình tưới nước tiết kiệm, giảm phát thải khí nhà kính.
Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình sinh vật gây hại trên đồng ruộng và tăng cường công tác dự tính, dự báo các đối tượng sinh vật gây hại cho cây trồng, hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ kịp thời, có hiệu quả một số đối tượng sinh vật gây hại chính trước, trong và sau Tết Nguyên đán như: Bệnh đạo ôn lá, sâu năn, chuột, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá nhỏ, ... phát sinh gây hại lúa Đông Xuân.
Đẩy mạnh chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm gia tăng giá trị sản xuất; hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất như: Quản lý dịch hại tổng hợp IPM, Chương trình Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), “3 giảm, 3 tăng” “1 phải, 5 giảm” nhằm giúp cây lúa tăng khả năng chống chịu với các điều kiện bất lợi, bảo vệ thiên địch, giảm phát thải khí nhà kính, giảm giá thành sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đối với cây rau màu, đối với diện tích cây rau màu đã xuống giống cần tranh thủ xới xáo, phá váng, làm cỏ; chăm sóc, tỉa, dặm và bón phân theo quy trình kỹ thuật để giúp cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt; khẩn trương làm đất, xuống giống đối với diện tích còn lại. Theo dõi, kiểm soát chặt chẽ các loại sinh vật gây hại trên cây rau màu như: bệnh lở cổ rễ, héo xanh vi khuẩn,....; tổ chức thực hiện tốt việc phòng trừ kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong quá trình sản xuất.
Sau Tết Nguyên đán 2025: tuyên truyền, vận động nông dân tích cực thăm đồng sớm, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sinh vật gây hại trên đồng ruộng, chăm sóc cây trồng theo đúng thời kỳ sinh trưởng, phát triển.
UBND các huyện, thị xã, thành phố pphối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi kiểm tra tất cả các công trình thủy lợi trên địa bàn, kịp thời sửa chữa các công trình bị hư hỏng, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2024 - 2025 theo kế hoạch đề ra. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương phân công cán bộ bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt bố trí cán bộ trực trong dịp Tết Nguyên đán để nắm chắc diễn biến của sinh vật gây hại, hướng dẫn nông dân gieo trồng đúng thời vụ, tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn và Hợp tác xã Nông nghiệp tiếp tục hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), Chương trình Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM),..., thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả, xây dựng cách đồng có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn nông dân bón phân cân đối, hợp lý, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học.
Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp trên địa bàn, phát hiện và ngăn chặn các loại vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng đưa vào sản xuất.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở có liên quan phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chăm sóc các loại cây trồng; tăng cường công tác dự tính, dự báo các đối tượng sinh vật gây hại cho cây trồng, hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ kịp thời, có hiệu quả; theo dõi tình hình bệnh khảm lá sắn, bệnh chết cây keo để có biện pháp phòng, trừ kịp thời.
B.T